|
|
Bà Chu Thị Loan – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Bắc Kạn. |
Lời “đe dọa” của vị Trưởng phòng
Trước phát ngôn của bà Chu Thị Loan – Trưởng phòng GD&ĐT TP Bắc Kạn: “Hôm qua tôi đã gọi điện thoại cho Hiệu trưởng nhà trường xem xét lại trường hợp này, có thể trả về, không tiếp nhận nữa, để tránh rắc rối” lúc nói về trường hợp của cháu V.T.Đ khi phụ huynh của em này phản ánh, kiến nghị, thắc mắc về các vấn đề liên quan đến học tập của con em họ, dư luận đã hết sức bức xúc và băn khoăn về đạo đức của người đứng đầu ngành Giáo dục này. Đặc biệt, với lời “đe dọa” này phụ huynh của cháu V.T.D đang thực sự rất hoang mang và lo lắng nếu lời nói này của bà Loan được thực hiện thì đứa trẻ vô tội kia sẽ theo học ở đâu khi mà bố mẹ cháu công tác và làm việc tại TP Bắc Kạn, còn hộ khẩu đúng tuyến thì tại một vùng huyện khác của tỉnh. Phải chăng chỉ vì phụ huynh phản ánh về việc làm của đơn vị, mà quyền được học của một đứa trẻ bị gạt bỏ hoàn toàn?
Theo quy định của pháp luật, cụ thể trong Thông tư 11/2015/TTLT –BGDĐT – BNV ban hành ngày
29/5/2015 có quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chức vụ Trưởng phòng GD&ĐT cấp huyện thì Trưởng phòng GD&ĐT cấp huyện không có quyền được kiến nghị, yêu cầu Hiệu trưởng đuổi học học sinh mà việc từ chối tiếp nhận trẻ phải được thực hiện theo các quy định trong điều lệ nhà trường, hoặc theo đề án thành lập trường hay các quy chế riêng biệt đã được ban hành. Do đó, việc không tiếp nhận trẻ không thể do ý chí chủ quan của bất kì cá nhân nào.
Vậy nên yêu cầu của bà Loan đề nghị nhà trường không tiếp nhận học sinh vào trường phải chăng là hành vi lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật?
Việc cắt chi trả hỗ trợ chưa đúng với quy định ?
Liên quan đến phản ánh của phụ huynh về việc chi trả hỗ trợ cho các cháu mầm non lớp 5 tuổi thuộc đối tượng được hưởng chế độ tại TP Bắc Kạn bị cắt hỗ trợ, bà Chu Thị Loan giải thích lý do cắt hỗ trợ: “Chúng tôi đã nắm được thông tin, tôi cũng đã gọi Hiệu trưởng và kế toán lên để làm việc thì thực ra nhà trường làm đúng. Theo giấy khai sinh của em này là 05/11/2011 như vậy ngày 05/11/2016 là em này đã hết hưởng chế độ rồi. Chỉ đến 5 tuổi thôi như vậy trường hợp này chỉ được nhận hai tháng là tháng 9 và 10”. Bà Loan cũng khẳng định: “Cả tỉnh, các phòng giáo dục khác, các huyện khác cũng thực hiện như vậy”.
Tuy nhiên, theo công văn trả lời của Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn gửi đơn vị Trường Mầm non Phùng Chí Kiên TP Bắc Kạn sau khi trường này gửi công văn đề nghị chỉ đạo giải quyết ý kiến thắc mắc, phản ánh của phụ huynh về việc xác định độ tuổi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ 3 - 4 - 5 tuổi tới Sở để nhận được chỉ đạo giải quyết ý kiến thắc mắc, phản ánh của phụ huynh, thì “việc xác định xác định độ tuổi để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ 3, 4, 5 tuổi: thực hiện theo Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013 ngày
11/3/2013: “…Năm học được hưởng là năm học mà trẻ đạt đến 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi theo giấy khai sinh”.
Ví dụ, trẻ Nguyễn Văn C sinh ngày 01/11/2011 sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa như sau: Năm học 2014-2015: Đến ngày 01/11/2014 trẻ đạt 3 tuổi. Thời gian được hỗ trợ là 07 tháng từ tháng 11/2014 đến tháng 05/2015. Năm học 2015-2016: Thời gian được hỗ trợ là 09 tháng 09/2015 đến tháng 05/2016. Năm học 2016-2017: Thời gian được hỗ trợ 09 tháng từ tháng 09/2016 đến tháng 05/2017. Tổng số tháng trẻ được hưởng hỗ trợ ăn trưa là 25 tháng”.
Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo từ Sở, Trường Mầm non Phùng Chí Kiên đã mời phụ huynh của 05 cháu là đối tượng đã bị cắt hỗ trợ không đúng để xin lỗi và nhận lại số tiền hỗ trợ của các tháng bị cắt không đúng quy định. Theo danh sách chi trả tiền ăn trưa hỗ trợ cho trẻ 3, 4, 5 tuổi học kì II năm học 2016-2017 ngày 5/9/2017 của Trường Mầm non Phùng Chí Kiên, các cháu bị cắt hỗ trợ không đúng quy định trước đây, đã được nhà trường chi trả cho phụ huynh theo đúng thủ tục. Cụ thể, một số cháu trước đây chỉ nhận được hỗ trợ 2 hoặc 3 tháng cho năm học 2016-2017, thì nay đã nhận đủ được hỗ trợ 09 tháng cho năm học.Việc tiếp thu ý kiến, khắc phục hạn chế của Trường Mầm non Phùng Chí Kiên được phụ huynh đồng tình và ủng hộ.
Như vậy, nếu chiểu theo công văn trên của Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn thì việc hiểu và áp dụng quy định văn bản của vị Trưởng phòng Giáo dục phải chăng đã đúng với quy định? Từ việc không hiểu quy định, áp dụng sai quy định của Phòng GD&ĐT TP Bắc Kạn, cùng một số trường mầm non đã dẫn đến thiệt thòi không đáng có cho một số con em, học sinh nơi đây. Vấn đề này cũng khiến phụ huynh và dư luận đặt câu hỏi với năng lực cũng như tư cách của bà Loan khi ở vị trí đứng đầu ngành Giáo dục của TP Bắc Kạn.
Theo Sinh Nguyễn/ Pháp luật plus