Chiều 20/2/2025, tại Hội trường B1, Trường Đại học Điện lực (EPU) tổ chức hội thảo giới thiệu và lấy ý kiến về Dự thảo Chương trình Đào tạo ngành Công nghệ Vật liệu Bán dẫn và Vi mạch.
Tham dự Hội thảo có Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Vũ Đình Ngọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Điện lực, đại diện Khoa Điện tử - Viễn thông, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, cùng đông đảo giảng viên và sinh viên.
    |
 |
Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Vũ Đình Ngọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Điện lực phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: EPU |
Hội thảo được tổ chức nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành Công nghệ Vật liệu Bán dẫn và Vi mạch, lĩnh vực đang có nhu cầu nhân lực rất lớn trong nước và quốc tế. Báo cáo trình bày tại hội thảo đã cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ, tình hình nhân lực ngành vi mạch - bán dẫn, cùng các chính sách chiến lược từ Chính phủ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp này tại Việt Nam.
Việc mở ngành Công nghệ Vật liệu Bán dẫn và Vi mạch tại Trường Đại học Điện lực sẽ tạo điều kiện để sinh viên được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các tập đoàn lớn như Samsung, Intel, TSMC, Qualcomm… Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển đào tạo của Nhà trường.
Buổi hội thảo đã nhận được nhiều đóng góp tích cực từ các đại biểu, góp phần hoàn thiện chương trình đào tạo trước khi chính thức triển khai.
    |
 |
Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh: EPU |
Theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", Trường Đại học Điện lực nằm trong danh sách dự kiến 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Quyết định, mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn.
Trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.
    |
 |
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: EPU |
Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Với truyền thống hơn 120 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Điện lực là một trường đại học công lập đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, EPU cũng là một trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu của ngành năng lượng Việt Nam.
Mục tiêu lâu dài và bền vững của Trường Đại học Điện lực là trở thành trường đại học theo ứng dụng hàng đầu Việt Nam, mô hình tự chủ toàn diện, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến khu vực và quốc tế.
Người học được đào tạo toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động, có khả năng học tập suốt đời, có năng lực sáng tạo và khởi nghiệp. Kết quả nghiên cứu khoa học đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.