Đó là cách mọi người thường gọi ông Trần Cam Ly (70 tuổi, ở tổ 3, khu phố 4, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa), người mà một đời luôn phấn đấu học tập, chiếm lĩnh tri thức và điều quan trọng là để làm gương cho con, cháu.


Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ vừa đủ cho hai vợ chồng ông sống và làm việc, ông Ly vui vẻ mở đầu câu chuyện về cuộc sống của mình bằng những ngôn từ mộc mạc, dân dã đậm chất Nam bộ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo nên thuở ấu thơ của ông là những tháng ngày đầy vất vả. Hàng ngày một buổi đến trường, một buổi về nhà làm mọi việc trong gia đình để phụ giúp cha mẹ. Học hết trung học phổ thông thì mẹ bị bệnh nan y, cha cũng đến tuổi già yếu không còn đủ sức khỏe để theo nghề cày mướn. Một thời gian sau, cha và mẹ đều lần lượt qua đời nên việc học tập của ông đành gác lại để lo kiếm việc làm nuôi sống bản thân. Nhờ may mắn, ông xin được vào dạy ở trường Ponleu Komar và sau đó thì dạy ở trường Lycee Pacific (TP. Phnôm Pênh, Campuchia). Ở đây ông vừa dạy, vừa học tập nhằm bổ sung thêm kiến thức cho mình. Năm 1970, ông và vợ về Việt Nam sinh sống, làm việc trong cảnh đất nước chia cắt hai miền. “Dù trong khó khăn, gian khổ đất nước chia cắt hai miền nhưng tôi luôn tự bảo mình hãy phấn đấu làm việc và học tập để lo cho cuộc sống và xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp…”- ông Ly bày tỏ.

Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, cả nước bắt tay vào xây dựng quê hương, ông Ly lại lấy những kiến thức mà mình có được để đóng góp phần nào đó trong việc giáo dục con em tỉnh nhà. Và ông may mắn được ngành giáo dục huyện Châu Thành (nay là TP. Bà Rịa) nhận vào giảng dạy.

Với nhiều người, sau nhiều năm cố gắng làm việc, thì ở cái tuổi 65 đáng được nghỉ ngơi nhưng với ông Ly, tuổi đó phải tiếp tục phấn đấu theo đuổi sự học. Năm 2004, sau khi nghỉ hưu, ông đăng ký thi và đậu Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Cũng như bao tân sinh viên khác, ông cũng tìm chỗ thuê trọ, chắt bóp từng đồng lương hưu để tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập. Sau thời gian dài nỗ lực học tập, ông Trần Cam Ly tốt nghiệp Đại học Luật ở tuổi 70. Ông Ly cho biết: “Theo tôi học không chỉ cho bản thân mà học để cho tuổi trẻ thấy rằng dù ở cái tuổi nào đi nữa vẫn phải học tập. Chỉ có học tập mới mong trở thành một con người có ích cho xã hội”.

Nhằm giúp đỡ bà con thuộc diện chính sách, neo đơn, gia đình nghèo trong việc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí, tháng 5-2013, ông lại tiếp tục đăng ký học nghề Luật sư khóa 14.1 tại Học viện Tư pháp (cơ sở TP. Hồ Chí Minh) để thỏa ước mơ của mình.

Ông Ly được biết đến không chỉ là một người luôn phấn đấu học tập suốt đời mà ông còn biết đến là một người chồng, người cha chu tất khi vừa lo việc học tập, vừa quán xuyến dạy dỗ con cái trong gia đình. Trong 7 người con của ông, người nào cũng có công ăn việc làm ổn định, trong đó có 6 người theo nghề của ông, đang giảng dạy, công tác tại các trường trên địa bàn tỉnh. Ở khu phố, ông còn là người Trưởng ban công tác Mặt trận tâm huyết, luôn hết lòng vì bà con, lối xóm, được mọi người quý trọng.

Khi chia tay ông Ly nói: Bằng đại học, bằng luật sư hay bằng gì cao hơn nữa nó chỉ thực sự có giá trị khi tích lũy cho mình một kiến thức. Các bằng cấp đó không phải là thước đo để bản thân vươn lên trong địa vị, trong xã hội, mà chỉ là sự khẳng định “Học để biết, học để làm, học để chung sống cùng cộng đồng phát triển” và có một điều hết sức thực tế “Học để làm gương cho con, cho cháu chúng ta”.
 

Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu

.