Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 04/CT-TTg yêu cầu Bộ GD-ĐT, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015.
Đồng thời chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương để làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức các cụm thi trên địa bàn, nhất là đối với những cụm thi do các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức.
Có kế hoạch cụ thể, chi tiết đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động liên quan đến kỳ thi, nhất là việc đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng nhằm hạn chế tối đa việc đi lại nhiều lần không cần thiết của học sinh, tránh gây khó khăn, phiền hà cho học sinh, phụ huynh học sinh và các tổ chức, cá nhân trước, trong và sau Kỳ thi.
Bên cạnh đó, có kế hoạch tổ chức truyền thông cụ thể để cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các quy định, thông tin cần thiết liên quan đến Kỳ thi và có trách nhiệm giải đáp thỏa đáng những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến Kỳ thi.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GD-ĐT phổ biến rộng rãi đến các học sinh, nhất là học sinh lớp 12 về quy chế thi, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 và các quy định, hướng dẫn liên quan đến Kỳ thi; chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập và tổ chức ôn luyện cho học sinh trong các nhà trường trung học phổ thông trên địa bàn.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ GD-ĐT để chỉ đạo và thực hiện việc bố trí các cụm thi; phối hợp với các trường đại học để chuẩn bị và triển khai thực hiện tốt mọi hoạt động tại các cụm thi thuộc địa bàn địa phương quản lý, đặc biệt lưu ý cần bảo đảm các điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại, nơi ăn nghỉ cho thí sinh và gia đình phụ huynh học sinh, về vệ sinh an toàn thực phẩm, về công tác bảo vệ an ninh trật tự tại các cụm thi...
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường công tác vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh là con em dân tộc thiểu số, các gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tham dự kỳ thi, không để học sinh nào phải bỏ thi vì gặp quá khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.
Các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp, theo sự phân công của Bộ GD-ĐT, có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các công việc, nhiệm vụ được giao liên quan đến Kỳ thi, bảo đảm chất lượng, tiến độ và thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo đúng quy định; làm tốt công tác chuẩn bị; bố trí đầy đủ đội ngũ có chất lượng, đủ tiêu chuẩn tham gia trong các hoạt động của Kỳ thi và tuyển sinh; nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho đội ngũ những người được cử tham gia vào các hoạt động của Kỳ thi, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi và tuyển sinh; có trách nhiệm quán triệt, phổ biến rộng rãi các quy chế, quy định về thi, tuyển sinh trong toàn đơn vị.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ GD-ĐT để xây dựng phương án tài chính phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hỗ trợ Kỳ thi tổ chức thành công, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm; kịp thời ban hành những văn bản quy định về tài chính phục vụ Kỳ thi theo thẩm quyền.
Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, rõ ràng về mục đích, ý nghĩa, tác dụng và những nội dung cơ bản liên quan đến Kỳ thi, nhất là những vấn đề có tính chất đổi mới để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.
Theo Dân trí