Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho rằng, xét về mặt thể thức trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đào tạo ngành y khoa không sai. Tuy nhiên, trường cần phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí khi đào tạo.

 


Một vấn đề được dư luận hết sức quan tâm đó chính là chất lượng đầu vào cũng như chất lượng đầu ra của những sinh viên sau khi được đào tạo tại trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, GS Cường trả lời thẳng thắn: “Nếu anh tuyển dụng đầu vào lởm khởm, không chất lượng và đầu ra của anh cũng không đạt yêu cầu thì nhà tuyển dụng sẽ không tuyển dụng anh, như vậy sinh viên ra trường không có việc làm và trường sẽ không thể tiếp tục đào tạo, cuối cùng sẽ dẫn đến phá sản. Đó là điều rất dễ hiểu trong quy luật cung – cầu hiện nay”.

Cuối cùng, khi nhận định về những phản ứng của dư luận xã hội về vấn đề này, GS – Thứ trưởng Lê Quang Cường cho rằng: “Băn khoăn của dư luận là hoàn toàn chính đáng, bởi ngành y là ngành đặc thù có những tiêu chí riêng khi đạo tạo.

Hơn nữa, dư luận cũng băn khoăn về tên trường không liên quan đến ngành y. Tuy nhiên, tôi phải khẳng định lại rằng: Tên trường không quyết định được gì, chất lượng là điều quan trọng nhất, nếu đào tạo không có chất lượng thì sẽ mất uy tín và tự phá sản”.

Liên quan đến những tiêu chí khi mở ngành y khoa, trao đổi với phóng viên, Ths Nguyễn Minh Lợi – Phó Cục trường Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng, để đào tạo trình độ đại học y đa khoa thì trường đào tạo phải có các phòng thực hành, phòng thí nghiệm và có đủ lực lượng, đội ngũ giáo viên …

“Tôi ví dụ, nếu đào tạo đại học y khoa thì trường cần phải có 50 giảng viên cơ hữu trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó bắt buộc phải có ít nhất 6 tiến sĩ thuộc 6 ngành: Y tế cơ sở, y tế dự phòng, sản khoa, nội khoa, ngoại khoa và nhi khoa.

Ngoài ra, nơi thực hành phải là bệnh viện hạng 1 hoặc bệnh viện tuyến tỉnh trở lên”, ông Lợi cho biết.
 

Theo Khám phá

.