Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay hôm qua, Bộ đã có công văn gửi về UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị, yêu cầu UBND tỉnh phải tiếp tục chỉ đạo để xác định rõ vụ việc. Vụ việc rất nghiêm trọng, việc này không thể chấp nhận được.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, vụ việc xảy ra ở Tuyên Quang là không thể chấp nhận được.

“UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT và nhà trường trước tiên làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan một cách khách quan, thấu đáo. Trên cơ sở đó phải có những biện pháp để xử lý nghiêm, những gì là trách nhiệm của giáo viên, trách nhiệm liên quan đến nhà trường, lãnh đạo nhà trường, những gì liên quan đến học sinh, trách nhiệm của phụ huynh. Phải xem xét tổng thể để có những biện pháp xử lý vướng mắc, cần thiết phải chấn chỉnh và rút kinh nghiệm sâu sắc việc này.”- ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, vấn đề bạo lực học đường là vấn đề chung mà chúng ta phải quan tâm. Theo tôi, từ những nguyên nhân diễn ra vụ việc này và từ những vụ việc khác, Bộ đã có những biện pháp. Biện pháp thứ nhất liên quan đến giáo dục. Thứ hai là, quản lý và biện pháp kỷ luật đối với một vụ việc cụ thể, nhưng về lâu dài, biện pháp căn cơ chính là giáo dục và quản lý.

“Trước hết, việc liên quan đến giáo dục thì phải xem đội ngũ giáo viên. Chúng tôi luôn bảo vệ các nhà giáo nhưng cũng phải nhìn lại các nhà giáo và đội ngũ giáo viên từ đào tạo, bồi dưỡng đến quá trình sử dụng, tuyển dụng. Đánh giá cả về chuyên môn và phẩm chất, những kỹ năng xử lý, cả giáo viên môn học và giáo viên chủ nhiệm. Công tác giáo dục, tuyên truyền học sinh trong nhà trường thực hiện như thế nào. Bộ đã có văn bản hướng dẫn đầy đủ nhưng công tác triển khai cụ thể, năng lực, kỹ năng của từng nhà giáo như thế nào thì chúng ta phải rà soát đánh giá.”- ông Sơn nói.

Vấn đề thứ hai là, đánh giá hiệu quả của việc dạy và học. Liên quan đến tăng cường giáo dục đạo đức, kỷ luật… Bộ đều có văn bản hằng năm và đều có kế hoạch nhưng cần đánh giá hiệu quả của từng trường, từng lớp như thế nào. Việc tuyên truyền, giáo dục học sinh không chỉ đánh giá hiệu quả mà còn đánh giá việc học sinh chấp hành như thế nào, cần theo dõi thường xuyên đối với học sinh. Đối với nhà trường, cần thường xuyên đánh giá việc quản lý.

“Chúng tôi cho rằng, để một vụ việc xảy ra như thế dẫn đến rất nhiều hậu quả nên phải ngăn chặn, phát hiện sớm những nguyên nhân sâu xa trong quan hệ thầy trò, trong tư tưởng đạo đức, trong lớp như thế nào, diễn biến tâm lý… để có thể hạn chế ngay từ đầu và quản lý nhà trường, quản lý lớp phải nắm được những cái đó để thực hiện.”- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay.

Bên cạnh đó là, trách nhiệm của phụ huynh học sinh và cuối cùng là trách nhiệm của toàn xã hội. Bạo lực xảy ra trong trường nhưng cũng là hiện tượng xã hội. Giáo dục học sinh cũng không chỉ trong nhà trường, trong gia đình mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các cơ sở đào tạo làm tốt việc đào tạo đội ngũ giáo viên, các chương trình giảng dạy và đặc biệt là tư tưởng đạo đức, quản lý nhà nước và việc phối hợp với phụ huynh.

 

Nguyễn Anh