Theo tính toán sơ bộ, số giáo viên cần bổ sung để dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần cho các lớp 3, 4 và 5 thuộc Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 là gần 7.770 người

 


Chính vì không có đủ GV nên phần lớn HS lớp 3, 4, 5 học chương trình tiếng Anh tiểu học nhưng chỉ với thời lượng 2 tiết/tuần (chiếm 48,48% số lượng HS lớp 3, 4, 5 học tiếng Anh). Cũng theo báo cáo của Vụ Giáo dục tiểu học, cả tỉnh Cao Bằng có 275 trường nhưng chỉ 86 GV tiếng Anh. Như vậy, địa phương này có chưa tới 30% số GV cần để đáp ứng việc học ngoại ngữ 4 tiết/tuần.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết tính đến năm học 2015-2016, cả nước còn hơn 711.000 HS lớp 3, 4, 5 chưa được học tiếng Anh. Cả nước hiện có 21.430 GV tiếng Anh tiểu học, trong đó số được tuyển dụng chính thức là hơn 7.360 người (chiếm 29,11%). Tính toán sơ bộ, số GV cần được bổ sung để dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần cho các lớp 3, 4 và 5 là gần 7.770 người.

Không chỉ thiếu về chất lượng, thống kê của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy thực tế đội ngũ GV tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ tại thời điểm hiện nay còn thấp so với mục tiêu đề ra. Tính đến tháng 7-2015, mới có 5.933/18.922 GV tiếng Anh tiểu học đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ (đạt 31,37%). Nhưng việc học bồi dưỡng để chuẩn hóa trình độ gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng; nhiều lớp bồi dưỡng được tổ chức trong năm học, GV phải vừa dạy vừa học nên hiệu quả chưa cao.

Có thể tuyển dụng cả sinh viên năm cuối

Để đáp ứng chương trình giáo dục tiểu học mới và yêu cầu đổi mới dạy học môn tiếng Anh ở trường tiểu học theo mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cũng như triển khai đại trà chương trình tiếng Anh 10 năm, từ năm 2018, tất cả HS lớp 3 đến lớp 5 đều học tiếng Anh 4 tiết/tuần (kể cả trường dạy học 1 buổi trong ngày).

Trong tình trạng khan hiếm GV như hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh các cơ sở giáo dục phải chỉ đạo cụ thể việc xây dựng đề án vị trí việc làm ở từng trường hoặc theo cụm trường trong xã/huyện. Trong đó, đặc biệt chú ý việc xây dựng kế hoạch, lộ trình tuyển đủ số GV tiếng Anh, có thể sử dụng GV tiếng Anh dạy chung cho nhiều trường quy mô nhỏ hoặc gắn trường nhỏ với trường lớn.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, GV tuyển dụng mới phải bảo đảm chất lượng và năng lực tiếng Anh đạt chuẩn theo quy định (từ bậc 3, bậc 4 đối với GV tiểu học trở lên). Không vì thiếu GV mà tuyển những người không đạt chuẩn. Việc tuyển dụng GV tiếng Anh có thể thực hiện một cách linh hoạt, bên cạnh tuyển dụng trong biên chế, có thể sử dụng các hình thức hợp đồng lao động như trả lương bằng ngân sách nhà nước hoặc nguồn đóng góp của cha mẹ HS, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ theo quy định.

Bộ GD-ĐT cũng “mở đường” cho các trường bằng cách đồng ý sử dụng sinh viên tiếng Anh năm cuối của các cơ sở đào tạo GV tham gia thực hiện một số hoạt động hỗ trợ công việc dạy học/giáo dục tại các trường tiểu học trên cơ sở hợp đồng theo kế hoạch cụ thể giữa cơ sở đào tạo và trường tiểu học - vừa hỗ trợ sinh viên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm vừa góp phần giúp địa phương tháo gỡ khó khăn khi chưa đủ GV tiếng Anh.

Bồi dưỡng cuốn chiếu theo cụm trường

Để giải quyết đồng bộ GV tiếng Anh ở cả 3 cấp học (tiểu học, THCS, THPT) trên địa bàn, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đưa ra giải pháp bồi dưỡng “cuốn chiếu” theo cụm trường hoặc theo quận/huyện/thị xã/thành phố. Nơi nào GV chưa đạt chuẩn theo quy định, có thể tạm dừng việc dạy học tiếng Anh để GV có thời gian tham gia bồi dưỡng tập trung. Để bảo đảm điều kiện học tập, trong thời gian GV tham gia bồi dưỡng thì không phải giảng dạy tại trường phổ thông.

 

Theo Người lao động
 

.