Thi THPT Quốc gia năm 2017: Các trường đại học tự xác định điểm sàn
Cập nhật lúc 16:18, Thứ ba, 17/01/2017 (GMT+7)
Ngày 16/1, Bộ GD-ĐT cho biết, dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ không quy định điểm sàn chung mà để cho các trường tự xác định điểm sàn. (điểm sàn, xét tuyển, Bộ GD-ĐT, Quy chế tuyển sinh)
Ngày 16/1, Bộ GD-ĐT cho biết, dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ không quy định điểm sàn chung mà để cho các trường tự xác định điểm sàn.
|
Dự kiến, năm 2017, các trường đại học sẽ tự xác định điểm sàn trong kỳ thi THPT Quốc gia |
Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2017. Đáng chú ý trong Dự thảo này, Bộ GD-ĐT dự kiến không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) như mọi năm.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng, sẽ không có chuyện bỏ điểm sàn trong năm 2017, mà dự thảo quy chế tuyển sinh chỉ đưa lên lấy ý kiến của xã hội với dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ không quy định điểm sàn chung mà để cho các trường tự xác định điểm sàn của từng trường.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT lý giải, xét trên phạm vi tổng thể các trường tốp cao luôn lấy trên mức điểm sàn nên gần như không quan tâm nhiều đến điểm sàn. Còn các trường không ở tốp cao thì đã kết hợp với hình thức xét tuyển bằng học bạ của cả quá trình 3 năm học THPT chứ không chỉ dựa vào kết quả của một kỳ thi. Vì vậy, 2 năm gần đây điểm sàn không còn nhiều ý nghĩa đối với việc xét tuyển.
“Chính vì vậy Bộ thấy rằng có thể thời điểm không cần thiết quy định điểm sàn chất lượng mà mở rộng quyền tự chủ giao cho các trường tự xác định điểm sàn riêng phù hợp điều kiện tuyển sinh của trường mình”, bà Phụng cho hay.
Bên cạnh đó, theo bà Kim Phụng, dù giao quyền tự chủ cho các trường nhưng vẫn kết hợp hàng loạt các quy định khác về công khai thông tin. Trong dự thảo quy chế tuyển sinh có phụ lục đề án tuyển sinh của các trường, trong đó phải công bố các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường: đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ học tập, giảng dạy, quy mô đào tạo, tỷ lệ việc làm của sinh viên sau 12 tháng tốt nghiệp; điểm chuẩn trúng tuyển của 2 năm liền kề…
Tất cả những công bố đó sẽ xác định điều kiện chất lượng của trường đó. Do đó, việc Bộ không quy định điểm sàn chung sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng chung.
“Bộ không quy định điểm sàn không ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào ĐH. Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ lắng nghe ý kiến thí sinh, phụ huynh để có một quyết định hợp lý nhất”, bà Phụng nói.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT phân tích, năm 2016, dù có điểm sàn nhưng vẫn còn hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đơn đăng ký xét tuyển dù rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy thí sinh đã có sự tính toán, lựa chọn nhất định chứ không phải vào bất cứ trường đại học nào là xong.
Vì vậy, năm nay Bộ quy định điều kiện cần chung nhất là điểm tốt nghiệp THPT. Còn các trường tự cân nhắc khi đặt điều kiện đầu vào của mình cho phù hợp để đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín.
“Điều này giúp cho việc chuẩn bị cơ sở dữ liệu không quá gấp, mặt khác giúp thí sinh có nhiều thời gian lựa chọn nguyện vọng phù hợp”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thông tin.
Theo Diệu Thu/Dân Việt
.