Trong cả 2 ngày thi đại học đợt 2 tại phía Nam, Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân là nơi có thí sinh bị đình chỉ thi nhiều nhất về lỗi mang tài liệu vào phòng thi.
Kết thúc môn thi Hóa và Văn sáng nay (10/7), ông Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng – Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM cho biết, tại địa bàn thành phố có 15 thí sinh vi phạm bị xử lí. Trong đó có 14 thí sinh bị đình chỉ và 1 thí sinh bị cảnh cáo. Những thí sinh bị đình chỉ chủ yếu ở các lỗi như mang điện thoại vào phòng thi, đến trễ…
Đặc biệt, Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân trong cả 2 ngày thi đều “dẫn đầu” về số thí sinh bị vi phạm và đình chỉ, với 24 thí sinh. Chủ yếu thí sinh tại các điểm thi của trường ĐH này bị bắt vì sử dụng tài liệu.
Bên cạnh đó, tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng trong buổi sáng nay có em Nguyễn Xuân Dương, tại phòng thi 291 bị đau bụng trong giờ làm bài. Dù đã được uống thuốc ngay sau đó nhưng Dương vẫn không thể tiếp tục thi.
Bên cạnh các thí sinh bị vi phạm còn có 1 cán bộ nữ coi thi của Trường ĐH Y dược TP.HCM bị xử lý. Cán bộ này bị giám sát hội đồng thi phát hiện đang gọi điện thoại trong toilet của trường trong giờ làm bài. Cán bộ nữ giải thích, do con bị ốm rất nặng ở nhà nên gọi điện về gia đình hỏi thăm để yên tâm coi thi. Hội đồng thi đã đình chỉ cán bộ này và xử lý theo quy chế của Bộ.
Nhận định về đề thi, ông Phúc cho hay, nội dung đề bám sát vào thực tế. Ví dụ như môn Văn, thí sinh không cần phải học thuộc đoạn thơ “Đất nước” – Nguyễn Đình Thi mà đề cho sẵn, thí sinh chỉ cần vận dụng vào tình hình đất nước hiện nay. Đề văn cũng phải nắm kiến thức sử, kiến thức địa… “Tôi nghĩ, trong 1, 2 năm tới, phao thi không còn tác dụng gì nữa, vì tất cả các cái đó cho vào trong đề thi rồi”, ông Phúc nói.
Sau khi kì thi kết thúc, nhiều ý kiến cho rằng nên chăng Bộ GD&ĐT chỉ cần tổ chức 1 kì thi quốc gia vừa xét tuyển tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ để bớt căng thẳng cho học sinh và bớt tốn kém.
Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Quốc Anh, Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, gần đây nhất trong Chương trình hành động của Chính phủ cũng có đề cập đến vấn đề trên. Bộ cũng quyết tâm sẽ làm trong thời gian sớm nhất, tuy nhiên để làm được việc này phải trải qua rất nhiều công đoạn như: chuyên gia của Bộ nghiên cứu, các chuyên gia về giáo dục, quản lý các cấp đánh giá… Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xây dựng Đề án và phải được lãnh đạo cấp trên duyệt rồi mới đi đến quyết định nên hay không nên.
Ông Anh cho biết thêm, trong 62 trường ĐH tổ chức thi trong đợt này đề xuất lên Bộ GD&ĐT tổ chức tuyển sinh riêng và đã được Bộ đồng ý. Trong đó, có nhiều trường chỉ xét học bạ để tuyển thí sinh vào học. Chẳng hạn như Trường ĐH Công nghệ năm nay có chỉ tiêu tuyển sinh 1.300 thí sinh theo tốt nghiệp THPT.
Theo Infonet