Sau khi Bộ GDĐT công bố về hướng dẫn xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của các nhà quản lý, nghiên cứu giáo dục khi quy định sẽ có 3 - 4 mức điểm xét tuyển cơ bản sau khi có kết quả kỳ thi ĐH, CĐ.
 


Theo đó, các mức điểm xét tuyển cơ bản dựa trên tổng điểm ba môn thi không nhân hệ số. Sẽ có 3 - 4 mức tính từ cao xuống thấp cho từng khối thi, các trường còn được phép có thể nhân hệ số môn thi chính để lựa chọn những thí sinh phù hợp. Trường nào xét tuyển theo phương thức này thì phải công khai trước ngày 20.5. Nhiều nhà quản lý giáo dục tỏ ra băn khoăn, khi cho rằng đưa ra quy định này sẽ vô hình trung tạo “điều kiện” thuận lợi để các trường ĐH ngoài công lập sẽ tuyển sinh bao giờ đủ chỉ tiêu mới dừng.

Ông Lê Trọng Thắng - Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mỏ địa chất HN - bày tỏ lo ngại về chất lượng đầu vào của các trường ngoài công lập, cho dù quan điểm của bộ là quy định này sẽ đảm bảo chất lượng đầu vào: "Đây là hệ quả của việc ồ ạt mở trường trước đây”. Bà Lê Thị Thu Thủy- Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương - cho rằng, việc bộ cho phép nhân hệ số môn thi sẽ chỉ càng làm “rối” hơn công tác tuyển sinh.

Còn GS. Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - chia sẻ, ở mỗi khối thi xét tuyển cho nhiều ngành, một ngành tuyển ở nhiều khối. Thêm vào đó là vấn đề cộng điểm ưu tiên, tất cả sẽ gây khó khăn trong công tác tuyển sinh. Phân bố nhiều mức điểm xét tuyển, sẽ chỉ là cơ hội cho các trường khó tuyển sinh, và điều này sẽ kéo theo chất lượng đầu vào xuống thấp. Cách đưa ra 3 - 4 mức điểm xét tuyển cơ bản cho từng khối thi thực chất không khác gì điểm sàn đã áp dụng trong nhiều năm nay, bởi quy định này không giải quyết được vấn đề cốt yếu là đảm bảo chất lượng giáo dục, thậm chí có nguy cơ đi ngược mục tiêu.

Ông Hoàng Minh Sơn- Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách Khoa - cho rằng, bộ nên có một ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu. Từ đó hãy để các trường tự tính toán điểm đầu vào cho từng ngành. Điểm này phải đảm bảo không thấp hơn mức điểm tối thiểu và đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

Trước những băn khoăn trên, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) - vẫn khẳng định, mục đích của quy định này để đảm bảo chất lượng đầu vào, tạo sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh. Từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học, giúp cho thí sinh biết về chất lượng đầu vào của từng trường, từng ngành để đưa ra lựa chọn phù hợp với năng lực".
 

Theo Lao Động