"Nhà trường không đơn thuần chỉ thông báo kỉ luật học sinh mà phải có ý kiến, lên án để những người đứng xem thấy được thiếu sót của mình, người đánh nhau vì sao làm như vậy và người thản nhiên đứng quay clip là vô cảm", Tiến sĩ Tùng Lâm nói.

 


Giáo dục trong nhà trường không chỉ đơn thuần là thầy cô lên lớp, nhồi nhét kiến thức cho trẻ hoặc vẽ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” thật to treo ở cổng trường. Đó là các giờ giáo dục đạo đức, giáo dục công dân phải cụ thể và thực chất. Thầy cô cần quan tâm cả đến sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ, cần dạy dỗ và uốn nắn các em có tình người, tình yêu đối với người thân, ông bà, cha mẹ, thầy cô, bè bạn…có nhân cách tốt.

Để chữa trị căn bệnh vô cảm, theo BS An, cần tạo dựng lòng nhân ái, kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp nhưng trước hết phải tăng cường giáo dục gia đình, gia phong và cải thiện hệ thống giáo dục nhà trường đi vào thực chất hơn, song song với dạy kiến thức là giúp các em trở thành con người giàu lòng nhân ái, một môi trường sống cộng đồng đầy nghĩa tình.

Đồng thời, phải tạo cho xã hội một sức đề kháng, đó chính là việc xây dựng và không ngừng nhân lên những yếu tố tích cực trong xã hội. Một môi trường xã hội tốt, lành mạnh sẽ tạo được sức đề kháng cao với căn bệnh vô cảm.

Trong câu chuyện bạo lực học đường này, là một người đã từng gắn bó lâu năm với công tác trẻ em, BS An cho hay, trước hết ngành giáo dục và Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế phải can đảm nhìn nhận những khiếm khuyết của mình. Với quy định Luật pháp VN hiện nay, có thể không có một quan chức nào của ngành/của sở phải gánh trách nhiệm về vấn đề này, song tất cả đều phải thừa nhận với lương tâm của mình về những gì mình đã làm không đúng như đạo đức, chưa tròn trách nhiệm của một nhà giáo.

Ngành giáo dục cũng cần sớm hình thành hệ thống Tư vấn tâm lý học đường để hỗ trợ phát triển sức khỏe tinh thần và kịp thời phát hiện, điều chỉnh tâm lý của các em học sinh khi bị xáo trộn.
 

Theo Dân trí

.