Chỉ 4 ngày sau khi Bộ GD-ĐT chính thức ban hành thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia 2015, Sở GD-ĐT đã mở hội nghị toàn ngành phổ biến những công việc chuẩn bị cho kỳ thi được diễn ra thuận lợi, an toàn, hiệu quả.
 
 
Thí sinh dự thi tại địa phương
 
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 02 (ngày 10.3.2016) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia 2015, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, theo quy chế mới thì kỳ thi THPT quốc gia năm nay có một số điểm mới trong đó đáng chú ý đầu tiên là mỗi tỉnh sẽ tổ chức 2 cụm thi (bỏ cụm thi liên tỉnh như năm 2015). Cụm thi cho thí sinh (TS) dự thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng do trường đại học chủ trì phối hợp với Sở GD-ĐT (gọi là cụm thi đại học). Cụm thi cho TS dự thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT do Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường đại học, cao đẳng tổ chức (gọi là cụm thi tốt nghiệp). Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế cụ thể tại địa phương, chủ tịch UBND tỉnh sẽ quyết định không tổ chức cụm thi tốt nghiệp mà tổ chức cho cả 2 đối tượng TS dự thi tại cụm thi đại học tại địa phương. Về việc này, ngay từ cuối tháng 2, Sở GD-ĐT đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến của cán bộ giáo viên trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên về phương án tổ chức cụm thi và phần lớn đều chọn phương án tổ chức 2 cụm thi. Sau đó, Sở GD-ĐT đã có tờ trình xin ý kiến và được UBND tỉnh đồng ý phương án tổ chức 2 cụm thi tại địa phương.
 
Một điểm mới nữa là, khác với năm 2015, TS được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, năm nay mỗi TS chỉ được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất. Về phúc khảo bài thi, nếu điểm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm. Đối với vấn đề công bố điểm thi, năm 2015 Bộ GD-ĐT độc quyền trong việc công bố điểm thi đã xảy ra nhiều tồn tại, bất cập. Thế nên năm nay, điều này được sửa đổi bằng việc các hội đồng thi sau khi hoàn thành chuyển dữ liệu về Bộ GD-ĐT thì được công bố kết quả thi.
 
Năm 2015 - năm đầu tiên tổ chức kỳ thi “2 trong 1” khiến cho rất nhiều TS và người nhà phải vất vả khi ra Đà Nẵng thuê nhà trọ trong mấy ngày thi. Rồi câu chuyện xét tuyển đại học sau đó gây nhiều phiền toái, lo âu cho TS. Năm nay, Thông tư 02 của Bộ GD-ĐT với những sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là việc TS được dự thi ngay tại địa phương chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho TS và người nhà trong việc thi cử, đi lại ở mùa thi THPT quốc gia năm 2016.
 
Tăng cường ôn tập, phụ đạo
 
Dù thời gian đến ngày thi THPT quốc gia 2016 diễn ra còn khá dài nhưng theo lãnh đạo các trường THPT thì họ đã sớm xây dựng kế hoạch tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh (HS) nhằm đem lại kết quả tốt tại kỳ thi. Thầy Phạm Hữu Thức - Hiệu trưởng THPT Phan Châu Trinh (Tiên Phước) cho biết, nhà trường có kế hoạch mời tất cả phụ huynh ký cam kết cho con em tham gia các lớp ôn tập do trường tổ chức. Về phần mình, nhà trường và các thầy cô giáo lập kế hoạch, chương trình ôn tập để các lớp ôn tập có chất lượng.
 
Theo ông Phạm Đình Ly - Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT, thời gian tới sở sẽ tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại các cụm trường miền núi để hỗ trợ cho giáo viên thực hiện tốt việc ôn tập cho HS. Cạnh đó, sở sẽ tăng cường việc chỉ đạo, kiểm tra các trường thực hiện việc phân loại HS, tổ chức ôn tập chu đáo, chuẩn bị kiến thức, tâm lý để các em dự thi đạt kết quả tốt nhất. Năm 2015, sở tổ chức thi thử THPT nhưng năm nay sẽ tổ chức khảo sát chất lượng toàn tỉnh để từ đó giúp cho các trường có những giải pháp điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, nhất là đối với HS yếu. Liên quan đến con số 950 TS hỏng tốt nghiệp tại cụm thi đại học ở Đà Nẵng năm 2015 trong khi cụm thi tốt nghiệp ở Quảng Nam chỉ có 1.400 TS hỏng tốt nghiệp, ông Ly cho rằng các trường cần xem lại công tác tư vấn cho HS. “Việc các em đăng ký thi ở cụm thi đại học sẽ tạo ra nhiều áp lực hơn, nếu xác định không kỹ, tâm lý không vững vàng sẽ khiến cho HS làm bài không tốt. Do đó, các đơn vị cần tư vấn cho HS chọn cụm thi cho phù hợp với năng lực và nguyện vọng của từng em” - ông Ly nhấn mạnh.
 
Một trong những chủ trương mà ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, ngành GD-ĐT triển khai thực hiện khá tốt, đem lại hiệu quả cao đó là lần đầu tiên các trường giữ các em HS dân tộc thiểu số miền núi ở lại dịp hè để tổ chức phụ đạo hơn 1 tháng. Năm nay, chủ trương này đang được Sở GD-ĐT tham mưu cho tỉnh để tiếp tục thực hiện. Dù vậy, điều băn khoăn của các thầy cô giáo là chế độ thù lao quá thấp. Hiệu trưởng một trường THPT miền núi cho rằng, lẽ ra kỳ nghỉ hè các thầy cô giáo ở đồng bằng được nghỉ ngơi thì họ lại lên miền núi để giảng dạy. Vất vả là vậy, nhưng chế độ mà họ nhận được quá thấp, dạy cả tháng nhưng mỗi người chỉ nhận được vài trăm nghìn đồng. Chia sẻ với khó khăn này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Công Thành cho biết năm 2015, tỉnh hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cho việc giáo viên và HS miền núi ở lại trường ôn tập trong tháng 6. Năm nay, sở sẽ tích cực tham mưu cho Sở Tài chính và UBND tỉnh quan tâm hơn đến chế độ đối với giáo viên đứng lớp, nếu không cao hơn được thì phải bằng năm trước để thầy cô an tâm đứng lớp. Đồng thời đề nghị UBND các huyện quan tâm hỗ trợ cho HS trong việc ôn tập chuẩn bị thi, hỗ trợ phương tiện đưa đón, ăn ở trong những ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia.
 
Theo Báo Quảng Nam
.