Tổng số trường đại học, cao đẳng đã vượt quy hoạch, song trường đào tạo ngành đặc thù như văn hóa nghệ thuật thì rất ít, không đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực.
… nhưng cần có sự điều chỉnh thừa - thiếu
Trong 472 trường đại học, cao đẳng đã được thành lập thì chỉ có hơn 30 trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật. Những năm qua, việc nâng cấp, thành lập mới các trường đại học, cao đẳng chủ yếu ở khối ngành kinh tế mà bỏ quên các trường đào tạo ngành đặc thù như: Văn hóa, Nghệ thuật, Kiến trúc, Du lịch...
Cả nước có gần 20 chuyên ngành đào tạo khối ngành Văn hóa, Nghệ thuật. Chẳng hạn như các ngành về Thiết kế (Thời trang, Đồ họa, Mỹ thuật), Âm nhạc (Thanh nhạc, Sáng tác, Biên đạo), Sân khấu - Điện ảnh (Diễn viên, Đạo diễn, Quay phim...), Lý luận phê bình (Điện ảnh, Sân khấu, Truyền hình)... Đây là những ngành, nghề đào tạo để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, phát triển và nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa xã hội.
Hiện tại, cả nước chỉ có một số trường đại học đào tạo về văn hóa nghệ thuật như: ĐH Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP.HCM, Học viện Âm nhạc Huế, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. Chỉ có 10 trường đại học đào tạo về Văn hóa, Nghệ thuật trong tổng số 221 trường đại học trên toàn quốc, chiếm 4,5%. Đây là tỷ lệ quá thấp so với các trường đại học đào tạo những ngành nghề khác. Điều này tạo nên sự chênh lệnh và phát triển không đồng đều cũng như bị thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
TP.HCM là địa phương hoạt động kinh tế năng động và đi đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng là địa phương phát triển bậc nhất về văn hóa nghệ thuật. Tại TP.HCM có tới 35 trường đại học. Tuy nhiên, số trường đại học đào tạo về Văn hóa, Nghệ thuật chỉ có 4 trường, chiếm 0,12%. Rõ ràng, số lượng trường đại học đào tạo về Văn hóa, Nghệ thuật tại TP.HCM còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Còn ở lĩnh vực Du lịch, Tổng cục Du lịch xác định, từ nay đến năm 2020 mỗi năm toàn ngành Du lịch cần thêm gần 40.000 lao động có trình độ đại học nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm. Trong đó, hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhóm ngành Du lịch mới có 5 trường tại TP.HCM đào tạo, không đáp ứng được nhu cầu học tập của thí sinh.
Hơn nữa, TP.HCM nằm ở giữa vùng Nam Bộ trù phú, tiếp giáp với phía Nam của miền Ðông Nam Bộ và rìa Bắc của miền Tây Nam Bộ là địa điểm phát triển và thu hút khách du lịch bậc nhất ở nước ta. Đây không chỉ là khu vực tập trung phát triển mũi nhọn của ngành du lịch mà còn là nơi cung cấp nhân lực du lịch cho cả nước.
Tất cả những vấn đề trên cho thấy, hiện nay cần có thêm trường đại học về Văn hóa, Nghệ thuật, Du lịch, đặc biệt ở TP.HCM và vùng Nam Bộ.
Cần sớm thành lập thêm các trường đại học có ngành đặc thù
Từ năm 2009, trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật & Du lịch Sài Gòn đã nộp đề án nâng cấp đại học cho Bộ GD&ĐT. Trong quá trình đó, nhà trường đã tuân thủ những yêu cầu của Bộ GD&ĐT về báo cáo tiền khả thi, hoàn thiện các điều kiện. UBND TP.HCM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã nhiều lần gửi công văn cho Bộ GD&ĐT ủng hộ chủ trương nâng cấp trường và đề nghị Bộ GD&ĐT có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã có văn bản số 4415/BVHTTDL – ĐT gửi trực tiếp Thủ tướng Chính phủ ngày 3/12/2013 xin Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc nâng cấp trường trước sự chuẩn bị lâu dài, đầy đủ các điều kiện và nhóm ngành đào tạo của trường cần được ưu tiên.
Trong những năm gần đây, trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật & Du lịch Sài Gòn đã có quan hệ liên kết đào tạo với các nước Hàn Quốc, Pháp, Đức, Hoa Kỳ. Năm 2013, nhà trường đã được Bộ trưởng Bộ Du lịch Camphuchia và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đến thăm trường và mời trường sang ký hợp đồng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho các nước bạn. Những hoạt động liên kết này không chỉ có ý nghĩa về mặt giáo dục mà còn chuẩn bị về lâu dài một nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế, du lịch của khu vực, giữ gìn mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng.
Hiện tại, trường CĐ Văn hóa, Nghệ thuật & Du lịch Sài Gòn có 2 cơ sở đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của 15.000 - 17.000 sinh viên. Trường có nhiều phòng học, thực hành và thư viện khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM cho biết: “Từ năm 2015 - 2020 và từ năm 2020 - 2030, mỗi năm TP. HCM cần tới 21.600 lao động ở lĩnh vực Văn hóa, Nghệ thuật, Du lịch để đáp ứng cho sự phát triển của thành phố. Hiện tại, các trường đại học đào tạo khối ngành Văn hóa, Nghệ thuật, Du lịch chỉ mới đáp ứng 50% nhu cầu tuyển dụng ở TP. HCM”.
Còn lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định: “Tùy thuộc vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội của các vùng miền, nhu cầu nhân lực phục vụ quốc phòng, an ninh cũng như thực hiện các cam kết quốc tế và giáo dục đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép thành lập một số cơ sở giáo dục đại học khác ngoài các cơ sở đã được dự kiến đến 2020. Trong đó, dự án nâng cấp trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật & Du lịch Sài Gòn lên đại học được Bộ đặc biệt quan tâm và đã gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị sớm cho trường này nâng cấp lên đại học”.
Tại Công văn số 4075/VPCP - KGVX, ngày 5 tháng 6 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ GD&ĐT có nội dung đề cập đến việc sau khi xem xét đề nghị của Bộ GD&ĐT về hồ sơ dự án thành lập Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo “Trước mắt, cần hạn chế tối đa việc thành lập thêm các trường đại học, cao đẳng, trừ những trường đào tạo các ngành công nghệ phục vụ sản xuất đang thiếu nhân lực và những ngành đặc thù cần được ưu tiên”.
Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI mới đây đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo đó, về giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, Nghị quyết nhấn mạnh cần “quan tâm xây dựng các trường văn hóa, nghệ thuật, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng và quy mô đào tạo. Hình thành một số cơ sở đào tạo đại học, trên đại học trọng điểm, đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa thêm hướng hiện đại và hội nhập quốc tế… Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy các chuyên ngành văn hóa”. Vì vậy, việc thành lập thêm trường Đại học có ngành đặc thù rất cần được ưu tiên.
Theo GDVN