Tết là dịp những người con xa xứ mong mỏi được về quê sum vầy, đoàn tụ bên gia đình. Thế nhưng, nhiều sinh viên nghèo đang học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh đã quyết tâm ở lại làm thêm, kiếm tiền trang trải việc học và gửi về giúp đỡ gia đình.

 


Đậu Thị Nga, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Gia đình Nga có ba chị em thì cả ba đều đang học đại học. Tám sào ruộng lúa là gia tài của gia đình Nga, nhưng trận lũ tháng 11 vừa qua đã cuốn mùa màng mất sạch khiến gia đình em lâm vào cảnh túng quẫn. Biết nhà nghèo, Nga phải tự lo liệu cho cuộc sống của mình vì không muốn cha mẹ vất vả thêm. Mới vào học được 6 tháng thì cũng chừng ấy thời gian Nga đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho việc học. Công việc của Nga chủ yếu là làm phục vụ tại các nhà hàng, và hiện Nga đang làm phục vụ tại Nhà hàng LOTTERIA, TP.Vũng Tàu. Cuộc sống sinh viên xa nhà, mọi khoản chi tiêu đều phải tự lo nên Nga phải tranh thủ tối đa thời gian được nghỉ để đi làm thêm, đặc biệt là những ngày gần cuối năm. Tiền công được khoảng 200 ngàn đồng/ngày, nên Nga cố tằn tiện lắm mới đủ. Nga tâm sự: “Thời điểm này và những ngày giáp Tết, lượng khách đông nên bọn em nhiều việc hơn, thu nhập cũng cao hơn. Em muốn cố gắng làm để kiếm thêm ít tiền gửi về cho cha mẹ lo tết và mua tôn mới, lợp lại nhà”.

Sáng thứ bảy, Trần Đăng Hảo, sinh viên năm 3 trường Cao đẳng nghề Dầu khí đã phải dậy sớm để kịp giờ làm. Hảo cho biết, hai ngày thứ bảy và chủ nhật em đi làm phục vụ tại quán ăn Thành Phát (bãi Dâu, TP.Vũng Tàu). Mặc dù cuối năm, bài vở bận rộn, nhưng ngay từ đầu tháng 11, em đã tranh thủ đăng ký làm thêm để kiếm tiền phục vụ cho nhu cầu học tập và sinh hoạt của bản thân. “Chỗ em làm có rất nhiều bạn sinh viên của các trường khác cũng đi làm thêm. Tuy hơi mệt nhưng tụi em thấy vui vì mình vừa kiếm được tiền, vừa học hỏi được kinh nghiệm cho bản thân”, Hảo nói. Trung bình mỗi ngày đi làm Hảo được trả 160 ngàn đồng. Hảo cho biết, quê em ở miền Trung. Cha mẹ em đều làm nông để nuôi ba chị em Hảo ăn học. Hảo bảo đợt lụt vừa rồi nhà em bị tốc mái, hư hỏng nặng nên em muốn ở lại Tết đi làm thêm để kiếm tiền gửi về cho cha mẹ.

Không chỉ có Nga, Hảo mà nhiều sinh viên khác đều tranh thủ ngày thứ bảy và chủ nhật để đi làm thêm kiếm tiền trang trải cho việc học. Nguyễn Thị Hiếu, quê Quảng Bình, sinh viên trường Cao đẳng Nghề du lịch cho biết, làm thêm vào những ngày cuối tuần việc thường nhiều nên rất mệt. Nhiều hôm về tới nhà người mệt rã rời, chân tay mỏi nhừ và thậm chí có nhiều lúc làm không kịp ăn. “Vất vả tí nhưng có tiền nên tụi em đứa nào cũng vui. Từ giờ đến cận Tết, em sẽ cố gắng làm nhiều hơn. Với gần 2 triệu đồng tiền lương/tháng làm thêm, em sẽ để dành để mua sắm ít đồ Tết cho bố mẹ, mua quà gửi về cho đứa em ở nhà” - Hiếu nói.

Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Tư vấn giải quyết việc làm (Sở LĐ-TB-XH) cho biết, trong những ngày này các đơn vị đang cần khoảng hơn 200 lao động thời vụ. Trong đó tập trung vào các hoạt động như làm phục vụ tại nhà hàng, khách sạn, nhân viên trực theo ca ở các khu vui chơi, quản lý các trò chơi giải trí, tư vấn bán hàng... “Thường thì nhu cầu lao động thời vụ của các đơn vị sôi động vào tuần cuối của tháng 12 cho đến hết Tết. Chúng tôi sẽ liên hệ với Trung tâm hỗ trợ sinh viên của các trường để nắm bắt nhu cầu và giới thiệu cho các em có việc làm trong dịp tết để tăng thu nhập” - ông Nghĩa nói.
 

Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu

.