Ra đề thi mở "ăn theo" trào lưu: Đang có sự ngộ nhận từ giáo viên
Cập nhật lúc 11:14, Thứ tư, 27/04/2016 (GMT+7)
Gần đây, các trào lưu, sự kiện "sốc" của giới trẻ liên tiếp được đưa vào đề thi, đặc biệt là phần nghị luận Văn học. Phải chăng đang có sự ngộ nhận từ giáo viên trong việc ra đề thi mở là phải đua theo trào lưu, đám đông mới là có tính thực tiễn. (đề thi , giáo viên, trào lưu , ngộ nhận )
Gần đây, các trào lưu, sự kiện “sốc” của giới trẻ liên tiếp được đưa vào đề thi, đặc biệt là phần nghị luận Văn học. Phải chăng đang có sự ngộ nhận từ giáo viên trong việc ra đề thi mở là phải đua theo trào lưu, đám đông mới là có tính thực tiễn.
Việc học, đặc biệt là việc ra đề theo sự kiện nổi đang quá thiên về kỹ thuật, chạy theo giải quyết vấn đề, trào lưu trước mắt mà bỏ quên việc tạo nền tảng bền vững, phông văn hóa cho người học.
Không thể phủ nhận trào lưu, hiện tượng cũng là một vấn đề nóng sốt, tác động rất lớn suy nghĩ, nhận thức của con trẻ nhưng nó chỉ mang tính nhất thời. Có chăng, các hiện tượng, trào lưu trên là những dẫn chứng, ví dụ mà học sinh chủ động đưa vào bài để trình bày lập luận, quan điểm, suy nghĩ, tình cảm của mình về một chủ đề nào đề thi đưa ra.
Thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên dạy Văn ở Nam Định chia sẻ hình như đang có sự nhầm lẫn giữa trào lưu, hiện tượng đang nổi với thực tiễn. Đổi mới đề thi theo hướng mở là muốn hướng tới tính thực tiễn, cách nhìn đa chiều của học sinh trước các vấn đề cuộc sống. Còn thời sự mang tính trào lưu, hiện tượng thì hôm nay còn nóng hổi ngày mai đã cũ rồi.
Theo thầy Quỳnh, tính thời sự không phải là ưu tiên số một của đề thi. Nhất là việc đề thi chạy theo những vấn đề, sự kiện mang tính hiện tượng của giới trẻ, các xu hướng trên mạng xã hội có thể làm học sinh bị sai định hướng. Bám sát đời sống có biết bao nhiêu vấn đề đáng quan tâm như ngày trái đất, ngày sách…
Từ việc đề thi chạy theo trào lưu, một nhà giáo ở Vĩnh Long bộc bạch quan điểm, phải chăng việc dạy và học đang sa vào việc đào tạo con người mang tính nhất thời để đáp ứng, giải quyết yêu cầu trước mắt. Trong khi, giáo dục là sự nghiệp muôn đời, cần mang tính bền vững, có giá trị lâu dài.
Trước đây, đề Văn thường bị phê phán là quá hàn lâm, biến học sinh thành những nhà phê bình bất đắc dĩ thì việc đề Văn chạy theo các hiện tượng nhất thời “đeo mác” đề mở lại đang cổ súy cho học trò chém gió, sống hời hợt?
Theo Dân trí
.