Trao đổi với một số trường THPT và các sở GD&ĐT địa phương sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi THPT quốc gia 2017, đa số đều cho rằng đã có sự chuẩn bị từ sớm về phương thức thi, môn thi… Hiện nay, các trường cũng đều đã tập trung lên phương pháp dạy và học phù hợp để thích ứng với đổi mới thi cử trong năm tới.
|
Ảnh minh họa. |
Các trường đã có sự chuẩn bị
Theo ông Đặng Quang Ngàn-Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình: Bộ đưa ra phương án thi tương đối phù hợp, hướng tới một kỳ thi nhẹ nhàng, nền giáo dục hiện đại theo đúng xu thế chung của toàn cầu. Đồng thời cũng giúp cho học sinh tăng tính tự tin.
Bằng tinh thần luôn đổi mới, lãnh đạo sở GD&ĐT Hòa Bình khẳng định, đã tiếp dận thông tin một cách sớm nhất, và triển khai một cách nhanh nhất tới các cơ sở giáo dục cũng như các thầy cô giáo. Khi Bộ đã trao quyền chủ động cho tỉnh, tỉnh cũng sẽ chủ động một cách tối đa linh hoạt, để làm sao mang lại quyền lợi cho học sinh và đảm bảo đúng mục tiêu giáo dục.
Về công tác hướng dẫn các trường ôn tập, dạy học đáp ứng với đổi mới làm bài thi tổ hợp, trắc nghiệm, ông Ngàn cho hay: Phương thức thi mới này với Hòa Bình không có nhiều lạ lẫm, bởi các thầy cô giáo đã được cập nhật thường xuyên, và đã có cho học sinh thử nghiệm trước khi Bộ có đề án công bố rộng rãi. Bắt đầu vào name học mới, Hòa Bình cũng đã dự đoán thi trắc nghiệm tất cả các môn cho nên đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, cả về phía phụ huynh và học sinh, trong các cuộc họp phụ huynh đã được thông tin đầy đủ.
Về phía trường THPT, ông Nguyễn Quang Thuấn- Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thái Nguyên cũng nhận định: Bộ đưa ra phương án thi chính thức khá kịp thời và thận trọng. Khi mà hoàn thiện chủ trương đổi mới, sẽ không tránh khỏi những ý kiến khác nhau của các bậc phụ huynh, học sinh và cả xã hội. Nhưng tôi thấy việc công bố như thế này là sớm, và Bộ cũng đã có những lắng nghe.
Theo ông Thuấn: Xã hội băn khoăn nhiều về môn Toán thi trắc nghiệm và số lượng câu hỏi còn ít trong bài thi KHTN và KHXH, vừa rồi Bộ đã có sửa đổi về cấu trúc khá hợp lý.
Là giáo viên dạy Toán, ông Thuấn cho rằng với mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia, số lượng đông thí sinh thì việc thi trắc nghiệm khách quan với môn này vẫn có thể đạt được mục tiêu đề ra. Dù nhiều người lo đến vấn đề lập luận, lí giải, trình bày, nhưng khách quan vẫn là nền tảng kiến thức chung, có thể đảm bảo theo hình thức thi trắc nghiệm.
Nền tảng vẫn là dạy thật, học thật
Đưa ra lưu ý đối với thí sinh trước những đổi mới về thi cử, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình chia sẻ: Với học sinh, Sở vẫn luôn chỉ đạo cần lưu ý là không quá hoang mang, bởi vì dù là hình thức đánh giá nào cũng ở trên nền tảng kiến thức, cho nên cốt lõi là học sinh nắm được kiến thức, khi đó sẽ thích ứng được với mọi hình thức, dù là thi trắc nghiệm hay tự luận.
Với giáo viên, là những người đã được qua đào tạo sư phạm, thì phải là những người chủ động, cập nhật thông tin sớm nhất, đi trước học sinh một bước, đồng thời cũng phải có trách nhiệm vào cuộc mạnh mẽ.
Cả xã hội cũng như vậy, không nên hoang mang, mà ủng hộ mục tiêu chung. Ví dụ, với giáo viên, cần quan tâm tới việc giúp học sinh xử lý bài thi trắc nghiệm. Hiện nay, các em phải làm bài nhiều câu hỏi trong khoảng thời gian rất ngắn nên phải có hướng dẫn các em trả lời, xử lý bài thi một cách hiệu quả...
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình cũng tin rằng Bộ sẽ cố gắng, năm đầu thực hiện với số lượng được đề thi tốt. Vấn đề nào khi đổi mới cũng có những chuyện phải bàn, có ý kiến trái chiều nhưng sẽ dần điều chỉnh để có phương án tốt nhất.
Có khá nhiều lãnh đạo các trường THPT đã đồng tình với quan điểm trên. Đa phần các trường cho rằng, nền tảng kiến thức mới là quan trọng nhất. Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội khẳng định, nền tảng vẫn là dạy thật, học thật một cách cẩn thận. Như vậy thì dù có thực hiện hình thức thi nào các em cũng vẫn đạt được kết quả tốt.
Tất cả các trường khi được hỏi, đều cho biết đã quán triệt tới từng giáo viên về việc phải nắm chắc những đổi mới về phương thức giảng dạy, cách tổ chức thi… để khi phụ huynh hỏi có thể trả lời rõ ràng, tạo niềm tin, sự yên tâm cho xã hội.
Chú trọng hơn với môn Giáo dục công dân
Trong các đổi mới thi THPT quốc gia 2017, cũng có khá nhiều ý kiến băn khoăn về việc thi tổ hợp, đặc biệt là có thêm môn thi mới là Giáo dục công dân. Theo nhiều giáo viên THPT, môn Giáo dục công dân là môn dạy học sinh làm người, tất cả các tình huống đều gần gũi với cuộc sống… nên phù hợp đưa vào đề thi. Nếu học sinh được rèn luyện, hệ thống lại các câu hỏi trong môn học thì sẽ thực hiện tốt.
Vì là trường THPT chuyên, nên theo ông Nguyễn Quang Thuấn, điều lo lắng nhất không phải các môn chính mà là môn Giáo dục công dân. Ông cho biết, các môn Lý, Hóa, Sinh… các em quen thi và làm trắc nghiệm rồi. Môn Toán có lo lắng, nhưng là môn chính, các thầy cô luôn chú trọng, cho học sinh làm quen hơn ở các tiết dạy.
Hầu hết các trường, ngay từ khi Bộ công bố dự thảo đã có tuyên truyền về chủ trương, cách thức thực hiện… để làm sao bản thân nhà trường phải yên lòng trước thì mới hướng dẫn được cho học sinh. Đặc biệt phải có cách làm chứ không phải chỉ nói tuyên truyền suông.
Cho đến nay, các trường đều đã bắt tay vào thực hiện công tác chuyên môn, để học sinh yên tâm học hành tốt. Các trường đều khẳng định rằng, thi chỉ là kỹ thuật, còn nền tảng vẫn phải là học hành.
Theo Đại đoàn kết