Phụ huynh 'tá hỏa' bức xức với những khoản phí 'lạ'
Cập nhật lúc 23:30, Chủ nhật, 02/11/2014 (GMT+7)
Mặc dù mùa khai giảng đã diễn ra cách đây hơn một tháng nhưng những vấn đề xung quanh việc thu học phí và phụ phí tại các trường học luôn là nỗi lo "canh cánh" của nhiều vị phụ huynh. ( học sinh, phụ huynh, học phí, lạm thu)
Mặc dù mùa khai giảng đã diễn ra cách đây hơn một tháng nhưng những vấn đề xung quanh việc thu học phí và phụ phí tại các trường học luôn là nỗi lo “canh cánh” của nhiều vị phụ huynh.
Phí “ép buộc” đội lốt “tự nguyện”
Liên quan đến vấn đề lạm phí, những ngày vừa qua, nhiều phụ huynh lại thêm hoang mang bởi việc “gặm nhắm tiền bạc” trong môi trường giáo dục trước thông báo thu 18 khoản phí “tự nguyện” và “nộp theo quy định” của Trường THCS Phong Hiền (Thừa Thiên-Huế). Trước những khoản thu bất hợp lý như: Quỹ vi tính, chi phí điện, nước cho trường, tiền làm bồn hoa cây cảnh, quỹ bồi dưỡng học sinh giỏi, ghế chào cờ... phụ huynh học sinh đã có đơn yêu cầu các cơ quan ban ngành kiểm tra và làm rõ việc lạm thu tại trường. Trong đơn, không ít phụ huynh tỏ ra thêm bức xúc khi tại trường còn diễn ra hiện trạng bêu tên, nhắc nhở trên hệ thống loa của trường và còn bị dọa đuổi học (?)!
Điều đáng nói, hầu hết khoản học phí “lạ” đều được nhà trường thanh minh rằng đó là khoản thu tự nguyện trong khi nhiều phụ huynh đã phải “cắn răng” nộp đủ dù có không ít thắc mắc.
Chị K.Luyến (ngụ tại Q.9) cho biết: “Trường có thông báo đóng các khoản phí, trong đó có một số phí đóng tự nguyện như: quỹ bàn ghế, quỹ văn nghệ, quỹ bồi dưỡng học sinh giỏi… Nói là tự nguyện nhưng thực chất không đóng không được, vậy nên dù có thắc mắc nhưng tôi cũng gấp rút đóng đầy đủ cho cháu để khỏi phiền hà”.
Không nhiều bức xúc về vấn đề lạm thu học phí như các phụ huynh khác nhưng anh N.Ninh có con đang theo học một trường mầm non tại TP.HCM, cũng chia sẻ: “Sau lần đi Đại hội phụ huynh học sinh của con, trường cũng thông báo đến phụ huynh về việc biểu quyết về khoản đóng góp cho nhà trường 120 triệu đồng để làm một số công việc như mua tivi led, sửa lại sân trường của một cơ sở nào đấy không phải chỗ con tôi đang học. Trong khi đó, tôi thấy trường đã có nhiều tivi led rồi nhưng có lẽ đây là “truyền thống” nên cứ việc mua tiếp”.
“Thật ra số tiền nghe lớn vậy nhưng mỗi gia đình chỉ đóng góp 360.000 đồng/năm, bình quân mỗi tháng đóng 40.000 đồng thì chắc cũng không vấn đề gì. Cô giáo hầu như chỉ mời các gia đình khá giả, cán bộ viên chức vào hội phụ huynh tham gia thôi”, anh Ninh nói thêm.
Có thể việc thu thêm một số phụ phí với số tiền không đáng kể nhưng cộng gộp tất cả trong một năm học thì đây quả là một “gánh nặng”. Với những gia đình khá giả thì đó là một số tiền không đáng kể nhưng đối với các gia đình đông con, hoàn cảnh khó khăn thì đây quả là một khoản phí lớn. Do đó, việc “thẳng tay” thu tiền bằng cách tự “đặt tên” cho hàng chục khoản phí vô lý và đưa vào áp dụng tại các trường học như hiện nay quả thật đáng báo động. Thiết nghĩ, các cơ quan ban ngành cần phải thường xuyên giám sát, kiểm tra chặt chẽ các trường học trong vấn đề thu học phí của học sinh, để kịp thời xử lý và chấn chỉnh các trường hợp vi phạm nhằm cải thiện xây dựng môi trường giáo dục không “lạm thu”!
Theo Đời sống & Tiêu dùng
.