Đại diện Bộ Y tế giải thích: Mức đóng BHYT HS, SV năm nay tăng gần gấp đôi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được mở rộng nhiều.
 


Phụ huynh nói gì về khoản phí này?

Chị Ngân ở phố Bắc Cầu, Long Biên Hà Nội cho biết: Chị làm nhân viên ở một ngân hàng còn chồng lái xe taxi. Thu nhập cả tháng của hai vợ chồng chưa vượt quá con số 10 triệu đồng. Tuy nhiên, với số tiền như vậy, gia đình anh chị phải tằn tiện chi tiêu hết mức.

Chị Ngân nói: “Chúng tôi luôn phải tiết kiệm, chỉ chi những khoản cần thiết cho cuộc sống, số còn lại để dành lo chuyện học hành cho con. Chồng tôi lái thuê taxi, thu nhập chẳng được bao nhiêu. Còn tôi làm ở ngân hàng, thu nhập nhân viên ngân ngân hàng như tôi giờ “đói” lắm. Chúng tôi có 2 đứa con, cháu lớn học lớp 2, cháu nhỏ học mầm non. Mới đầu năm học mà đã nhiều khoản thu: nào là học kỹ năng sống, nào là tiền học thêm tiếng Anh… Chúng tôi vừa phải lo trả tiền nhà và vừa phải lo đóng tiền học cho con, tiền sách vở, tiền đồng phục, nay lại tiền BHYT tăng cao nữa. Chúng tôi chỉ biết than trời...”.

Cũng như chị Ngân, chị Hương ở Việt Hưng, Hà Nội cũng lâm vào tình trạng dở khóc dở cười. Chị Hương tâm sự: “Tôi làm công nhân thoát nước, chồng làm bảo vệ cho một tòa nhà chung cư. Lương của vợ được 4,5 triệu đồng và lương chồng được 3 triệu đồng. Ngoài đi làm ở cơ quan, tôi còn đi làm thêm dọn dẹp vệ sinh cho một gia đình hàng xóm được 1,5 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của cả gia đình là 9 triệu đồng. Nhà có 2 con đi học (lớp 5 và lớp 3). Với số tiền lương ít ỏi như vậy mà phải đóng nhiều khoản phí học hành cho con, rồi tiền thuê nhà, ốm đau, nên chi tiêu rất bí. Năm ngoái, số tiền đóng BHYT còn thấp, tự nhiên năm nay lại cao gấp 1,5 lần như vậy là không ổn. Chúng tôi rất mong nhà nước giảm xuống thấp để cho những gia đình công nhân nghèo như chúng tôi có thể trụ được”.

Chị Nguyễn Thị Thúy (Nguyễn Văn Cừ, Long Biên Hà Nội) nói: “Tôi thắc mắc là tại sao năm nay lại tăng gấp 1,5 lần? Liệu tăng như thế thì có tăng chất lượng không hay cứ thu tăng tiền còn chất lượng khám chữa bệnh kém”.

Chị Ngọc Trần (Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc: “Đầu năm học phải đóng nhiều loại phí, quỹ lớp, quỹ trường, tiền xã hội hóa để mua điều hòa, tiền nước uống... giờ lại thêm “nhẵn túi” vì phí bảo hiểm cho con. Mà tôi có cảm giác như là bị “ép” mua bảo hiểm cho các con ở trường bởi không được tư vấn, không hiểu quyền lợi của người tham gia bảo hiểm thế nào mà phí thì quá cao. Tôi mua bảo hiểm cho con mà không được biết về tên tuổi doanh nghiệp bảo hiểm”.

Có rất nhiều phụ huynh học sinh khác cũng có cuộc sống khó khăn. Họ cũng lo lắng và thấy những khoản đóng góp đầu năm học, trong đó có tăng phí bảo hiểm khiến gia đình họ phải gồng mình chống chọi.

Các cơ quan chức năng nói gì?

Trên báo Tiền Phong, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính Bộ GD&ĐT cho hay, năm học 2015-2016, bắt đầu áp dụng Luật Bảo hiểm Y tế mới với mức đóng cao hơn. Những năm trước, học sinh chỉ đóng BHYT theo các tháng trong năm học, năm nay luật quy định đóng 15 tháng, trong đó có thể chia làm nhiều đợt. Cũng theo ông Quang, mức đóng bảo hiểm năm 2014 trở về trước 3,3%, hiện nay tăng lên đến 4,5% lương tối thiểu. Nhóm học sinh, sinh viên đóng 70%  của mức này cũng là khá cao.

Ông Quang cho rằng, BHYT được thực hiện theo luật bảo hiểm nên ngành giáo dục cũng chỉ thu hộ ngành y tế mà thôi, không thể có sự điều chỉnh.

Giải thích vấn đề này, trên báo Pháp luật TP HCM, TS Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết: Mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của học sinh, sinh viên (HS-SV) năm 2015 tăng gấp đôi so với năm ngoái vì theo Luật BHYT bổ sung, sửa đổi thì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được mở rộng rất nhiều.

Cũng theo ông Khảm, sự thay đổi này đã được bàn thảo rất kỹ, thảo luận dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Quốc hội cũng đã thông qua luật và bây giờ là việc triển khai thực hiện.

Ông Khảm lý giải: Tất cả nội dung được quy định trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đều đã được bàn thảo rất kỹ. Từ việc nó tác động như thế nào đến quỹ BHYT, tác động thế nào đến đời sống xã hội cũng như khả năng kinh tế của các gia đình. Có nghĩa là Bộ Y tế và ban soạn thảo đã soi chiếu dưới nhiều góc cạnh khác nhau mới đưa ra quyết định mức đóng của HS-SV tăng từ 3% lên 4,5%.

Có 3 vấn đề mà ông Khảm nêu ra: Thứ nhất, nó thể hiện sự thống nhất trong mức đóng BHYT là mọi người đều đóng mức đóng như nhau. Thứ hai, theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được mở rộng rất nhiều, thành ra mức đóng của người tham gia bảo hiểm cũng phải mở rộng theo. Thứ ba, đối với HS-SV, ngoài việc Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, quyền lợi của các em còn được hơn những người khác ở chỗ là được dùng một phần kinh phí để chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường.

Còn đối với HS-SV hộ gia đình nghèo, đã tham gia BHYT theo hộ nghèo, được cấp thẻ BHYT miễn phí. Hộ cận nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ đóng 70%, chỉ phải đóng thêm 30% mức tăng không nhiều. Còn những gia đình khác có điều kiện kinh tế khá giả hơn phải tham gia BHYT theo hình thức HS-SV với mức tăng như đã nói ở trên.

“Theo quy định của các văn bản liên quan đến Luật BHYT việc thu BHYT thực hiện theo năm tài chính, nghĩa là thu từ ngày 1/1 đến 31/12 của năm đó. Mọi năm thu theo năm học, đến hết tháng 9 là xong. Còn năm nay là năm chuyển giao nên phải thu thêm ba tháng cuối của năm 2015 và nguyên năm 2016”, ông Khảm nói./.
 

Theo VOV

.