Theo Đề án, mục tiêu tổng quát là hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý và phương thức tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt ưu tiên việc ứng dụng công nghệ số một cách đồng bộ, kết hợp linh hoạt với các phương thức truyền thống. Việc cung cấp thông tin pháp luật sẽ được cải thiện về tốc độ, độ chính xác, tính thuận tiện, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận đến mọi đối tượng. Đề án cũng hướng đến việc tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và giảm chi phí thực hiện.

Trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2027, Đề án tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số một cách đồng bộ, hiệu quả và khả thi. Một trong những trọng tâm là xây dựng, trình dự án Luật sửa đổi về phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia sẽ được nâng cấp, đảm bảo khả năng cung cấp thông tin pháp luật cho người dân và doanh nghiệp. Một kho dữ liệu số dùng chung sẽ được xây dựng và tích hợp, kết nối với các cổng thông tin của các bộ, ngành, địa phương. Mục tiêu đến cuối giai đoạn là có ít nhất 80% người dân ở khu vực thành thị và 60% ở khu vực nông thôn có thể tiếp cận thông tin pháp luật thông qua các nền tảng và ứng dụng số.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. 

Giai đoạn từ năm 2028 đến 2030 sẽ tập trung hoàn thiện toàn diện hạ tầng số và các nền tảng công nghệ phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cổng Thông tin điện tử quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc cung cấp thông tin pháp luật, phục vụ hiệu quả nhu cầu tìm hiểu của người dân, doanh nghiệp. Dự kiến đến năm 2030, ít nhất 90% người dân thành thị và 70% người dân nông thôn sẽ tiếp cận thông tin pháp luật qua nền tảng số. Đồng thời, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật sẽ được đào tạo về kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số trong lĩnh vực này.

Để thực hiện thành công các mục tiêu nêu trên, Đề án đề ra 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, bao gồm: nâng cao nhận thức và trách nhiệm về chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy ứng dụng công nghệ phục vụ người dân và doanh nghiệp; hỗ trợ các địa phương; xây dựng nguồn nhân lực số; học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước; đảm bảo các điều kiện thực hiện; bảo vệ an toàn thông tin và an ninh mạng; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả.

Trong đó, các giải pháp quan trọng sẽ được triển khai gồm chuẩn hóa, cập nhật kho dữ liệu pháp luật dùng chung, nâng cấp Cổng Thông tin điện tử quốc gia thành nền tảng chính cung cấp thông tin pháp lý cho toàn dân. Một cổng thông tin điện tử riêng biệt hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng sẽ được thành lập từ nền tảng hiện có của Bộ Tư pháp, đồng thời tăng cường kết nối, cập nhật thông tin tại các cơ quan, địa phương. Kho dữ liệu sẽ bao gồm cả các vụ việc pháp lý thực tế, các văn bản hướng dẫn, cũng như nội dung tư vấn từ mạng lưới chuyên gia pháp lý.

Một điểm mới đáng chú ý là việc thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phổ biến pháp luật. Theo đó, sẽ triển khai các hệ thống AI hỗ trợ tra cứu văn bản mới, cung cấp dịch vụ hỏi – đáp pháp luật tự động trong một số lĩnh vực cụ thể, đặc biệt ưu tiên nhóm đối tượng yếu thế và có tính năng hỗ trợ đa ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ của một số dân tộc thiểu số. Việc tích hợp và khai thác các công nghệ AI sẵn có từ các bộ, ngành và địa phương cũng sẽ được đẩy mạnh, phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân và doanh nghiệp.

Việc phê duyệt và triển khai Đề án cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bắt kịp xu thế chuyển đổi số, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn quyền lợi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thời kỳ phát triển số.

PV