Ôn thi môn văn: Học sinh hoang mang, giáo viên lo lắng
Cập nhật lúc 10:29, Thứ sáu, 09/05/2014 (GMT+7)
Dù Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT đối với riêng môn ngữ văn nhưng theo nhiều giáo viên họ vẫn chưa hết lo lắng. Còn một số học sinh cho biết, các em chấp nhận “hy sinh” môn này và mong “gỡ điểm” ở môn khác.
Cô K.O, giáo viên Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh phàn nàn: “Đến bây giờ chúng tôi vẫn không biết Bộ ra đề theo kiểu gì! Hai hay ba câu? Nghị luận văn học, nghị luận xã hội ra từng câu riêng hay tích hợp? Từ trước tới giờ dạng tích hợp cả nghị luận xã hội và văn học hầu như chưa bao giờ ra trong các kì thi đại trà vì nó khó, vậy mà giờ đây theo như cách nói của Bộ thì rất có khả năng họ sẽ làm thế.
Hoặc ra đề phần đọc hiểu, giáo viên, học sinh quá bị động khi biết về chủ trương này trước kỳ thi có hai tháng. Đã vậy Bộ còn bảo không cần quan tâm đến cấu trúc đề vì điều ấy không quan trọng. Chúng tôi rất không đồng ý với quan điểm này. Giáo viên phải được biết cấu trúc đề thi thế nào, gồm mấy câu vì điều này là cơ sở để hướng dẫn học sinh cách phân chia thời gian làm bài hợp lý”.
Liên quan tới việc có hay không cấu trúc đề thi, cô Phạm Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, Hà Nội nhận xét: “Bộ nói mấy năm nay không chủ trương thông báo cấu trúc đề thi nên năm nay cũng sẽ thế. Điều đó là vô lý.
Tuy Bộ không chính thức thông báo nhưng gần chục năm nay, cả đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH chỉ có một cấu trúc duy nhất, tất cả giáo viên đều căn cứ vào cấu trúc đó để luyện thi cho học sinh.
Giờ Bộ bảo đổi mới mà không có bất kỳ đề mẫu nào nên chúng tôi rất lo, học sinh thì hoang mang”. Cô Bích Liệu, giáo viên một trường THPT dân lập ở TP Hồ Chí Minh cũng bức xúc: “Chúng tôi thấy mình như đi trong đường hầm, tìm đủ mọi phương pháp để vận dụng kiểu đề mới, nhưng cũng bối rối, chán nản vì không rõ có hiệu quả hay không!”.
Càng ôn càng… hoảng
Một trong những cách các giáo viên môn Văn thể hiện sự nỗ lực giúp mình và trò trong thời gian qua là lên mạng “sưu tầm” những đề được ra theo cách mới. Dù Bộ không chính thức ban hành đề mẫu cũng như cấu trúc đề nhưng căn cứ để các giáo viên làm mẫu là hai đề “tham khảo” của PGS. TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT và bà Phạm Thị Thu Hiền, chuyên viên của Vụ này.
Cô T.A, giáo viên một trường THPT dân lập ở Hà Nội cho biết: “Tôi mang “đề mẫu” của thầy Thống và cô Hiền về cho học sinh tôi làm thì hầu hết các em không làm được. Một số em cũng hiểu, nhưng diễn đạt rất ngô nghê. Tôi thử tìm một vài đề khác trên mạng, tình trạng tương tự. Vì thế tôi đành phải dùng văn bản trong sách giáo khoa và một số văn bản thuộc diện dễ đọc mà các em đã được tiếp cận ở các lớp dưới để giúp các em ôn luyện”. Cũng là giáo viên của đối tượng học sinh có lực học trung bình, cô Bích Liệu thở dài: “Nói chung là tình hình bấn loạn!”.
Theo nhiều giáo viên, điều khiến họ cảm thấy mất phương hướng là không rõ mức độ khó của đề mà Bộ sẽ ra. Cô Phạm Hà Thanh cho biết: “Việc tìm những văn bản có độ khó tương tự SGK để cho học sinh tập làm đề đọc – hiểu chỉ khiến kết quả thêm tồi tệ bởi thực tế rất nhiều văn bản trong SGK quá khó hiểu đối với học sinh, ví dụ bài thơ “Cây đàn ghi ta của Lorca” của nhà thơ Thanh Thảo.
Nhưng sở dĩ giáo viên vẫn giúp các em tiếp cận được là bởi ngoài thời gian lên lớp, các em còn có thời gian soạn bài ở nhà, thời gian đọc thêm các tài liệu liên quan. Còn giờ đây, nếu trong kỳ thi, với những văn bản mới có độ khó tương tự kèm theo yêu cầu trả lời một loạt câu hỏi đọc - hiểu trong vòng 30 - 35 phút thì giáo viên còn chẳng làm được nữa là các em!”.
Cô Phạm Hà Thanh cũng kể, vừa rồi cô có sử dụng một số đề do một giáo viên Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội ra cho học sinh đang ôn thi ĐH khối D của cô làm nhưng hầu hết các em đều không đạt điểm trung bình.
“Đề này cũng đưa ra một tác phẩm in trên báo của nhà thơ Thanh Thảo – một tác giả hiện có tác phẩm được dạy trong chương trình lớp 12. Độ khó của bài này còn không bằng bài thơ “Cây đàn ghi ta của Lorca” có trong chương trình. Nhưng các em chỉ trả lời được một số câu hỏi đơn giản, đến những câu hỏi có tính trừu tượng một chút là các em chịu thua.
Tôi cũng nghĩ, cứ ôn cho các em những đề khó như thế chỉ khiến các em thêm nản. Biết đâu đề Bộ ra sẽ dễ hơn thì sao? Nhưng cái khó của chúng tôi là chưa biết mặt ngang mũi dọc của cái đề mới nó sẽ thế nào!”, cô Thanh nói.
Theo Tiền phong