Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) năm 2013 vẫn giữ ổn định như những năm trước đây nhưng cũng có một số thay đổi nhằm bảo đảm kỳ thi đạt hiệu quả tốt hơn. Ðây là kỳ thi thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là các bậc phụ huynh và thí sinh dự thi cần nắm vững những điểm mới trong quy chế và các quy định bảo đảm đạt kết quả tốt trong kỳ thi.
Theo Bộ GD và ÐT, kỳ thi tuyển sinh ÐH, CÐ hệ chính quy năm 2013 được tổ chức trong tháng bảy gồm ba đợt: Ðợt một (ngày 4 và 5) và đợt hai (ngày 9 và 10) thi đại học; đợt ba (ngày 15 và 16) thi cao đẳng. Về chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 vẫn giữ ổn định và khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật... Ðiểm mới của kỳ thi năm nay là thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CÐ nghề, CÐ chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng, có nguyện vọng học liên thông lên CÐ, ÐH theo hình thức chính quy phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi và thi theo đề thi chung của Bộ GD và ÐT...
Ðáng chú ý, trong tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2013, Bộ GD và ÐT bổ sung thêm đối tượng tuyển thẳng gồm: Thí sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Ô-lim-pích khu vực và quốc tế; trong đội tuyển tham dự hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế, với 20 học sinh lớp 12 đoạt giải trong hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông toàn quốc năm 2013 đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào ÐH, CÐ. Ngoài ra, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, học ba năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, Quyết định số 293/QÐ-TTg, Quyết định số 2123/QÐ-TTg và thí sinh của bảy huyện tại Quyết định số 615/QÐ-TTg, 13 huyện biên giới thuộc các tỉnh Tây Nguyên và giáp Tây Nguyên và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ được xét tuyển thẳng vào ÐH, CÐ nhưng phải học bổ sung kiến thức. Các trường ÐH, CÐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, học ba năm và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực này (trừ những thí sinh đã được xét tuyển thẳng vào ÐH, CÐ theo quy định trên) có kết quả thi thấp hơn điểm sàn một điểm và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Ðây là những điểm mới đáng chú ý, tạo cơ hội để học sinh tốt nghiệp THPT ở những vùng khó khăn học tiếp lên cao góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong vùng.
Thí sinh cần lưu ý những thay đổi của kỳ thi năm nay về thứ tự các môn thi so với những năm trước để mang các vật dụng được phép, phù hợp môn thi (com-pa, thước kẻ, máy tính...), làm bài đạt hiệu quả. Trong đó, đợt hai thi ÐH thứ tự các môn khối B là Toán, Sinh, Hóa; khối C là Ðịa, Sử, Ngữ văn; khối D Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn. Ðối với kỳ thi CÐ thứ tự các môn thi khối A là Toán, Hóa, Lý; khối A1 Toán, Tiếng Anh, Lý; khối B là Toán, Hóa, Sinh; khối C là Ðịa, Sử, Ngữ văn; khối D là Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn. Việc thay đổi nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi, nhất là tránh căng thẳng phải thi hai môn tự luận trong một ngày.
Về đề thi tuyển sinh ÐH, CÐ kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Ðề thi sẽ không ra đề ngoài chương trình và vượt chương trình trung học. Không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học. Theo Bộ trưởng GD và ÐT Phạm Vũ Luận, đề thi sẽ được ra một cách căn bản, không đánh đố thí sinh, với những môn khoa học - xã hội sẽ ra đề theo hướng "mở" và không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng một cách máy móc. Ðề thi phân loại được trình độ của thí sinh để tuyển chọn cho nên sẽ có những câu khó hơn. Các thí sinh cần bình tĩnh, học một cách thực chất, căn bản, học và hiểu, chú ý khả năng vận dụng, khả năng suy luận, khả năng sáng tạo, đặc biệt là tự tin... thì kết quả thi sẽ đáp ứng yêu cầu.
Ðáng chú ý, trong quá trình làm bài thi, một số chuyên gia giáo dục lưu ý thí sinh khi làm bài thi trắc nghiệm nên bắt đầu làm từ câu số một, lần lượt lướt nhanh, quyết định làm những câu cảm thấy dễ và chắc chắn, đồng thời đối với những câu chưa làm được cũng cần xem xét loại trừ các phương án sai, đánh dấu vào nháp. Lần lượt thực hiện đến câu trắc nghiệm cuối cùng trong đề, sau đó quay trở lại làm những câu đã tạm thời bỏ qua. Thí sinh không nên mất quá nhiều thời gian nghiền ngẫm những câu quá khó đối với mình, có thể bỏ qua các câu khó để giải quyết những câu khác dễ hơn rồi sẽ quay trở lại lần hai để làm những câu đã tạm thời bỏ qua. Ðối với câu đã khẳng định được phương án đúng, không nên làm trên giấy nháp trước rồi mới tô đáp án sau, vì cách làm này sẽ khiến thí sinh bị mất thời gian. Thí sinh cố gắng trả lời tất cả các câu trắc nghiệm của đề thi để có cơ hội giành điểm cao nhất, không nên bỏ trống một câu nào.
Mặt khác, kỳ thi, tuyển sinh năm 2013, Bộ GD và ÐT sẽ thay đổi cách tính điểm sàn sao cho hợp lý nhất trên cơ sở bảo đảm chất lượng tối thiểu của học sinh có thể theo học ÐH, CÐ chứ không quá thấp; bảo đảm giữa số thí sinh đạt điểm sàn trở lên có số dư dồi dào hơn những năm trước so với chỉ tiêu, kể cả yếu tố vùng, miền. Không có sự phân biệt trường công lập hay ngoài công lập. Khi nào có nghị định quy định tiêu chí sự phân tầng chất lượng, Bộ GD và ÐT sẽ tính đến phương án đưa ra các chuẩn đầu vào khác nhau với các trường thuộc các tầng khác nhau. Theo Vụ trưởng Giáo dục đại học Bùi Anh Tuấn, trong quá trình lựa chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tỷ lệ chọi của các trường có số lượng thí sinh đăng ký đông và có trường không có thí sinh đăng ký hoặc đăng ký rất thấp không nói lên được nhiều điều. Vì một số trường ở tốp trên, có thể số thí sinh đăng ký dự thi chỉ nhiều gấp rưỡi, gấp hai chỉ tiêu tuyển sinh nhưng những trường này vẫn lấy điểm chuẩn rất cao khoảng hơn 20 điểm. Mặt khác, số thí sinh dự thi ít nhưng kết quả điểm thi nói chung đều cao thì điểm chuẩn cũng khá cao. Ngược lại, có những trường có thể có 20 đến 25 nghìn thí sinh dự thi nhưng chỉ tiêu chỉ khoảng 3 - 4 nghìn, tức là số dự thi cao gấp 5 - 6 lần chỉ tiêu nhưng điểm chuẩn có khi chỉ 15 - 16 điểm. Vì vậy, tỷ lệ chọi không nói lên gì nhiều, cho nên thí sinh cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn nguyện vọng.
Ðiều quan trọng, các thí sinh cần tự tin, giữ gìn sức khỏe, khi vào làm bài thì bình tĩnh, tự tin, đọc kỹ đề, làm câu dễ trước, câu khó sau, làm được đến đâu chắc đến đấy, làm bài một cách trung thực. Các thầy giáo, cô giáo cần tuân thủ đầy đủ quy chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh làm bài trong một môi trường nghiêm túc, bình tĩnh, đạt hiệu quả tốt nhất.
Theo Nhân Dân