Chương trình tiếng Anh Cambridge, đề án sách giáo khoa (SGK) điện tử hay đề xuất một bộ SGK riêng dành cho TP.HCM… là những đề án giáo dục được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM Lê Hồng Sơn đã được bút phê nhưng vấp phải phản đối gây gắt từ phía dư luận.Những đề án giáo dục “lợi ít hại nhiều”…
 

 

… Và vị “Giám đốc của sự thí điểm”

 
Một chương trình giáo dục hiệu quả cốt yếu nằm ở phương pháp dạy, nội dung của chương trình dạy học và ở khả năng phổ biến kiến thức của giáo viên. Thế nhưng, có lẽ Sở đã chú trọng quá nhiều về hình thức và những dự án đem ra “thí điểm” còn quá mơ hồ về lợi ích đối với HS. Ví như, đề án SGK điện tử với kinh phí 4.000 tỉ đồng để thí điểm đã lộ ra quá nhiều khuyết điểm ngay khi còn nằm trên bàn giấy. Cũng chính vì thế, văn phòng UBND TP.HCM có thông báo khẩn gửi Giám đốc Sở GD&ĐT với nội dung yêu cầu Giám đốc Sở tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu là chuyên gia giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên và dư luận sau hai lần tổ chức hội thảo về đề án “SGK điện tử và máy tính bảng”.
 
Đề án SGK điện tử hiện vẫn đang chờ ý kiến từ Bộ GD-ĐT bởi còn quá nhiều điểm bất cập trong chính đề án này. Có thể, đề án này sẽ mãi là đề án không được triển khai và dừng lại đúng lúc khi những tác động không tốt của nó chưa ảnh hưởng đến phụ huynh và học sinh. Chương trình tiếng Anh Cambridge chính là đề án thất bại ngay trước mắt cũng chính do Giám đốc Sở chấm bút ký duyệt khiến phụ huynh và HS phải gánh chịu nhiều thiệt hại khi Sở “ôm con bỏ chợ”.
 
Giáo dục không phải là một thứ mang ra để “thử”, để thí nghiệm và càng không phải là phương tiện để kiếm tiền. Do đó, đối với những đề án thất bại, gây tổn thất cần phải quy trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức cụ thể. Chỉ như thế, việc sàng lọc và lựa chọn chương trình giáo dục cho HS mới thật thiết thực, cần thiết và loại bỏ sự hoang mang trong lòng phụ huynh trước quá nhiều đề án “hao tài tốn của”.
 
Trước những đề án “bất khả thi” đó, trách nhiệm có lẽ thuộc về người đề xuất và tham mưu là ông Lê Hồng Sơn. Là một Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Sơn phải luôn luôn thấu hiểu và đặt lợi ích của HS lên trên, vạch ra đường hướng giáo dục đúng đắn để cải tiến nền giáo dục chứ không phải mang HS ra thí điểm hết chương trình này đến chương trình khác. Thời gian đương nhiệm Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2016 của ông Lê Hồng Sơn vẫn còn khá dài nhưng đã có quá nhiều đề án giáo dục thí điểm, khiến cả phụ huynh, HS và Bộ GD&ĐT phải “chóng mặt”.
 
Một đề án Cambridge bị bỏ dở giữa chừng, một đề án tiếng Anh tích hợp nhiều lùm xùm, một đề án SGK điện tử lợi bất cập hại hay một đề án SGK riêng không cần thiết… Tất cả các đề án đều được chính Giám đốc Sở phê duyệt và gửi lên Bộ GD&ĐT. Những đề án này đều khá “mập mờ” về lợi ích trong giáo dục, sẵn sàng mang HS ra làm “chuột bạch” để “thí nghiệm”, phải chăng là quá liều lĩnh?. Giả sử, tất cả đề án mà Sở đề ra đều được thực hiện thì số phận các HS sẽ đi về đâu khi mỗi năm lại có hàng loạt đề án thí điểm?. Thiết nghĩ, Giám đốc Sở là người tham mưu ra các chương trình giáo dục nên cân nhắc và suy nghĩ thấu đáo, không nên vội vàng đề ra các đề án giáo dục khi chưa có ý kiến đóng góp của các chuyên gia.
 
Theo Đời sống & Tiêu dùng
.