UBND TPHCM đã có văn bản số 3399 ngày 18.6, giao cho Thanh tra TPHCM lập đoàn thanh tra toàn diện hoạt động của Trường Đại học Hoa Sen (HSU) từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2014. Việc thanh tra này xuất phát từ việc tố cáo của nhóm cổ đông với bà Bùi Trân Phượng - Phó Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng HSU - và xét báo cáo của Sở GDĐT TPHCM với UBND thành phố.

Kỳ 1: Bị tố mạo danh “không vì lợi nhuận”

“Mặc dù chưa được Thủ tướng quyết định công nhận là đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận (ĐHTTHĐKVLN), nhưng ban điều hành HSU vẫn gửi thông cáo báo chí và đăng trên website của trường là “trường không vì lợi nhuận”, gây ngộ nhận cho xã hội, đồng thời từ chối yêu cầu xem xét, kiểm tra hồ sơ kế toán của các cổ đông bất hợp pháp”. Đây là nội dung chính trong đơn của một nhóm cổ đông sở hữu hơn 20% cổ phần HSU gửi các cơ quan chức năng mới đây.

Lợi tức ngất ngưởng

Trong quyết định thành lập HSU theo quyết định số 274 ngày 30.6.2006 của Thủ tướng Chính phủ đã ghi rõ: “HSU hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục”. Nhưng trong một số văn bản của HSU có ghi: “Trường hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận theo Nghị quyết 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao”. Dù rằng, đến lúc này, vẫn chưa có các quy định cụ thể về tiêu chí “phi lợi nhuận” là như thế nào.

Mãi đến tháng 10.2013, Chính phủ ban hành Nghị định 141/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ 10.12.2013). Tại Điều 6 của nghị định này quy định cơ sở giáo dục đại học tư thục được xác định hoạt động không vì lợi nhuận (KVLN) khi đảm bảo các điều kiện sau đây: “Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư không nhận lợi tức, hoặc nhận lợi tức không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ quy định trong cùng thời kỳ; Chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học hằng năm của nhà trường là tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia...; Có cam kết hoạt động KVLN bằng văn bản với Bộ GGĐT, UBND cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đại học đặt trụ sở chính”.

Nhưng sau khi có nghị định này, HSU vẫn không có cam kết với Bộ GDĐT và UBND TPHCM như quy định, đồng thời, cổ tức được chia cho các cổ đông năm 2013 là 50,6%, gồm 20% tiền mặt và 30,6% cổ phiếu thưởng (trước đó, năm 2012, cổ tức là 152%, gồm 12% cổ tức bằng tiền mặt và 140% cổ phiếu thưởng), cao hơn nhiều so với lãi suất trái phiếu chính phủ quy định trong cùng thời kỳ. Mãi đến ngày 24.7.2014, có nghĩa là sau khi đã có đơn đề nghị tổ chức đại hội cổ đông bất thường của một nhóm cổ đông, nhưng bị HĐQT HSU từ chối, thì trường này mới có văn bản cam kết hoạt động KVLN với Bộ GDĐT và UBND TPHCM...

Phớt lờ cảnh báo của cơ quan chức năng

Ngày 10.12.2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 70 về Điều lệ trường đại học (có hiệu lực từ 30.1.2015). Theo điều lệ này thì thủ tục và thẩm quyền thành lập hoặc công nhận trường ĐHTTHĐKVLN phải được Bộ GĐĐT thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Với trường ĐH tư thục chuyển sang hoạt động KVLN thì phải có biên bản họp đại hội cổ đông được sự đồng ý của 75% tổng số vốn góp thông qua. Cũng theo điều lệ này, thì có những thay đồi cơ bản trong hoạt động của trường ĐH tư thục bình thường và ĐHTTHĐKVLN. Cụ thể, ĐHTTHĐKVLN sẽ tổ chức đại hội toàn trường thay cho đại hội cổ đông; các thành viên góp vốn của ĐHTTHĐKVLN lúc này sẽ bị hạn chế một số quyền của cổ đông như: Không được biểu quyết theo tỉ lệ phần vốn góp; không được cung cấp báo cáo tài chính hằng năm của nhà trường; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn không được xem xét, trích lục sổ biên bản, nghị quyết của HĐQT, các báo cáo tài chính; chỉ được nhận lợi tức tối đa bằng lãi suất trái phiếu chính phủ…

Ngày 31.1.2015, HSU tổ chức đại hội toàn trường mặc dù đến nay, HSU vẫn chưa được Thủ tướng công nhận là ĐHTTHĐKVLN. Đáng nói, trước đó, từ tố giác của một nhóm cổ đông, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở GDĐT làm việc với HSU để yêu cầu thực hiện đúng pháp luật. Ngày 26.1, Sở GĐĐT TPHCM đã làm việc với HĐQT của HSU và ngày 29.1 đã có thông báo đến HSU, trong đó nhắc nhở: “Nhà trường muốn hoạt động theo cơ chế trường ĐHTTHĐKVLN cần phải làm hồ sơ để Bộ GĐĐT thẩm định, trình Thủ tướng quyết định công nhận”.

Đồng thời, Sở GDĐT TPHCM “Yêu cầu HĐQT HSU hoạt động theo quy định các văn bản pháp luật hiện hành”. Thế nhưng, bất chấp sự cảnh báo trên, ngày 31.1 HSU vẫn tổ chức đại hội toàn trường. Thậm chí, ngày 2.2, HĐQT HSU còn gửi văn bản đến UBND TPHCM “báo cáo kết quả đại hội toàn trường ngày 31.1”.

Chính điều này đã khiến cho các cổ đông của nhà trường phải khiếu nại khắp nơi. Và đến ngày 11.4, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận phải có văn bản tiếp tục nhắc nhở: “Hiện tại HSU chưa làm thủ tục chuyển đổi thành trường ĐHTTHĐKVLN, nên phải chấp hành Điều lệ trường ĐH hiện hành. Do vậy, ban điều hành HSU tự ý tổ chức đại hội toàn trường ngày 31.1 với danh nghĩa là trường ĐHTTHĐKVLN là không tuân thủ các quy định của Điều lệ trường ĐH do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã có hiệu lực thi hành. UBND TPHCM cũng: “Yêu cầu HĐQT và Hiệu trưởng HSU (đương nhiệm) nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chấp hành các quy định pháp luật và thực hiện việc tổ chức và quản lý của trường ĐH tư thục…”. Có nghĩa là UBND TPHCM một lần nữa xác định HSU chỉ là ĐH tư thục bình thường, chứ không phải là ĐHTTHĐKVLN.

Do HSU tự xác định mình là ĐHTTHĐKVLN, nên ngày 22.5, Chủ tịch HĐQT HSU đã có văn bản từ chối yêu cầu của một nhóm cổ đông về việc kiểm tra sổ sách và hồ sơ kế toán của HSU. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều cổ đông của HSU bức xúc và khiếu nại đến các cơ quan chức năng.

 

Theo Lao Động

.