Nghị lực vượt lên hoàn cảnh
Nói về cái duyên đến với nghề giáo, thầy Nguyễn Ngọc Đức, giáo viên dạy Tin học Trường THCS Lương Thế Vinh (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cười và cho biết, “đó là một mối nhân duyên tình cờ” mà bản thân thầy cũng không hề biết trước.
|
|
Thầy Đức trở thành tấm gương sáng cho đồng nghiệp và các học sinh. Ảnh: NC. |
Thầy Đức giải thích: “Là con trai đầu trong gia đình có hai anh em nhưng ngay từ khi mới sinh ra, tôi đã bị liệt nửa người bên phải. Do đó, mọi công việc, sinh hoạt hàng ngày đều phụ thuộc vào nửa cơ thể còn lại. Khi còn nhỏ, hầu hết sinh hoạt hàng ngày, tôi đều phải nhờ sự hỗ trợ của người thân trong gia đình. Còn nhớ, những ngày đầu đi học, viết bài bằng tay trái, tôi không thể theo kịp được với bạn bè nên nhiều lúc cảm thấy thiếu tự tin”.
Thế nhưng, với tinh thần “tàn nhưng không phế”, thầy Đức đã không cho phép mình tự ti với bản thân và càng không được bỏ cuộc dù chỉ là trong ý nghĩ. Ngoài những giờ lên lớp, thầy lại tận dụng thời gian rảnh để tập viết, làm việc bằng tay trái được thuần thục hơn. Nhờ đó, những khó khăn của việc hoạt động bằng tay trái chẳng mấy chốc được đẩy lùi.
Năm 2004, sau khi học xong cấp 3, thầy Đức mạnh dạn thi vào khoa Tin học Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk. Sau 3 năm đèn sách, thầy Đức tốt nghiệp và bắt đầu đi dạy. Thầy Đức tâm sự: “Những ngày đầu nhìn thấy tôi bước lên bục giảng, nhiều học sinh không khỏi ngạc nhiên và có phần không tin tưởng vào khả năng viết bảng bằng tay trái của tôi. Đáp lại sự tò mò của học sinh, tôi chỉ biết cố gắng hoàn thiện bản thân trong từng tiết học để các em tin tưởng và học tập tốt hơn. Cứ có thời gian, tôi lại tìm đồng nghiệp trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu tài liệu, sách vở học để thử thách bản thân và giảng dạy tốt hơn”.
Nhờ tinh thần ham học hỏi và cố gắng vươn lên, sau 10 năm giảng dạy, thầy Đức đã trở thành Tổ trưởng tổ ứng dụng công nghệ thông tin của Trường THCS Lương Thế Vinh. Đồng thời, thầy cũng thường xuyên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cho trường và đạt thành tích cao trong các kỳ thi tin học cấp tỉnh, cũng như toàn quốc.
Tấm gương sáng trong lao động, học tập
Không dừng lại ở việc giảng dạy, thầy Đức còn sáng tạo ra phần mềm tin học ứng dụng phục vụ cho công tác quản lý giáo dục của trường và nhiều địa phương khác. Nói đến đây, thầy Đức lý giải: “Từ khi về nhận công tác tại Trường THCS Lương Thế Vinh, tôi được lãnh đạo trường giao cho công việc quản lý việc xét tốt nghiệp hàng năm cho học sinh. Trong 3 năm đầu, việc xét tốt nghiệp chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công, tốn rất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả không được như ý muốn. Không ít trường hợp, đặc biệt là các học sinh người đồng bào Êđê bị sai dữ liệu, phải sửa bằng tốt nghiệp. Trước những khó khăn ấy, tôi quyết tâm phải lập ra phần mềm ứng dụng để giúp cho công tác xét tốt nghiệp của trường được tốt và hiệu quả hơn”.
|
|
Thầy Nguyễn Ngọc Đức tận tình chỉ dạy cho học sinh trong giờ Tin học. Ảnh: NC. |
Không để ý tưởng nằm mãi trong ý nghĩ, thầy Đức không chỉ bắt tay vào việc tìm kiếm tài liệu trên mạng internet, mà còn học hỏi từ các đồng nghiệp để tìm ra phương pháp lập trình trên máy và các ứng dụng được cài sẵn. “Thời điểm đó, nhiều đêm tôi phải thức đến 2 giờ sáng để nghiên cứu tài liệu. Dù mệt mỏi nhưng cùng với sự giúp đỡ, chia sẻ của đồng nghiệp tôi luôn tin mình sẽ thực hiện được. Cho đến đầu năm 2013, sau 6 tháng tìm tòi, nghiên cứu, tôi đã hoàn thành phần mềm ứng dụng “Xây dựng ứng dụng xét tốt nghiệp cấp THCS và quy trình lập dữ liệu xét tốt nghiệp một cách hiệu quả” nhưng không biết phải nhờ ai kiểm chứng. Không còn cách nào khác, tôi đã mạnh dạn tìm đến một lãnh đạo của Phòng Công nghệ thông tin Sở Giáo dục & Đào tạo Đắk Lắk để được giúp đỡ. Sau khi xem, vị lãnh đạo này đánh giá rất cao phần mềm và nói tôi mang về sử dụng cho trường. Lúc đó, tôi vô cùng hạnh phúc và không thể nào diễn tả được bằng lời” – thầy Đức nhớ lại.
Ứng dụng “Xây dựng ứng dụng xét tốt nghiệp cấp THCS và quy lập dữ liệu trình xét tốt nghiệp một cách hiệu quả” do thầy Đức lập ra với dung lượng nhỏ, dễ cài đặt, chạy trực tiếp trên file excel, dễ sử dụng. Qua đó, người dùng chỉ cần nhập danh sách vào ứng dụng, công việc còn lại hoàn toàn tự động, chính xác. Đặc biệt, phần mềm có phần sắp xếp, định dạng tên đồng bào dân tộc Êđê, xây dựng riêng cho tỉnh Đắk Lắk nơi có đông đồng bào dân tộc Êđê sinh sống.
Với những ưu điểm nói trên, cho đến nay phần mềm do thầy Đức lập ra đã được ngành giáo dục huyện Cư M’gar sử dụng cho việc xét tốt nghiệp cho học sinh và một số huyện khác trong tỉnh cũng đang triển khai ứng dụng này. Không chỉ vậy, trong hội thi sáng tạo khoa học toàn quốc lần thứ 13 (năm 2014 - 2015), phần mềm của thầy Đức đã đoạt giải 3.
Không dừng lại ở kết quả nói trên, năm 2015 thầy Đức còn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo; giải Ba cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học năm học 2014 - 2015”; năm học 2017-2018 đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; đạt giáo viên dạy Giỏi cấp huyện và có học sinh danh hiệu học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Tin học.
Thông qua những gì đạt được, thầy Đức cũng mong muốn những người có hoàn cảnh như mình không được phép tự ti với bản thân, đồng thời phải cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường thì mới có thể vượt qua khó khăn và đạt được ước mơ của mình.
Thầy Hoàng Gia Thiện – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh cho hay: “Dù tàn tật nhưng từ ngày về trường nhận công tác, thầy Đức luôn cố gắng vượt lên hoàn cảnh, hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao mà không có bất kỳ đòi hỏi gì. Với phần mềm sáng tạo ra, thầy Đức đã góp phần thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Không những thế, thầy còn nhiệt tình giúp đỡ, trao đổi với các đồng nghiệp và trở thành tấm gương sáng trong lao động, học tập đáng để đồng nghiệp và các em học sinh noi theo”.
Chính Cương