Mùa thi đại học năm 2017: Xét tuyển theo nhóm sẽ giảm thí sinh ảo?
Cập nhật lúc 22:11, Thứ ba, 23/05/2017 (GMT+7)
Nỗi lo lớn nhất của các trường trong kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2017 là đối phó với lượng thí sinh (TS) ảo. Tại cuộc họp nhóm các trường ở khu vực miền Bắc, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng như nhiều trường ĐH đều khẳng định, để giải quyết bài toán ảo, các trường nên tham gia xét tuyển theo nhóm. (đại học , Mùa thi , Xét tuyển, thí sinh ảo)
(BVPL) - Nỗi lo lớn nhất của các trường trong kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2017 là đối phó với lượng thí sinh (TS) ảo. Tại cuộc họp nhóm các trường ở khu vực miền Bắc, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng như nhiều trường ĐH đều khẳng định, để giải quyết bài toán ảo, các trường nên tham gia xét tuyển theo nhóm.
Khi tham gia vào nhóm, các trường vẫn được tự chủ trong việc phân chia nhóm ngành; xác định chỉ tiêu dự kiến cho từng ngành/nhóm ngành; quy định điều kiện được đăng ký xét tuyển (theo kết quả học tập THPT và kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 của TS), các tổ hợp môn/bài thi xét tuyển và môn chính (hệ số 2); chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp môn xét tuyển; quy định môn thi là tiêu chí phụ để xử lý tình huống quá nhiều TS có cùng kết quả điểm thi ở ngưỡng trúng tuyển vào một ngành/nhóm ngành của trường.
Ngoài ra, các trường cũng vẫn tự chủ trong việc xét duyệt các hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng; xác định chế độ ưu tiên đối với TS không dùng quyền tuyển thẳng...
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, xét tuyển năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 25 - 28/7 (25 nhập dữ liệu, 28 chạy phần mềm). Thứ trưởng Ga khuyến khích các trường nên tham gia nhóm để xét tuyển dễ dàng. "Quan ngại lớn nhất trong kỳ tuyển sinh năm 2017 là ảo cao, tuy nhiên nếu các trường tham gia vào nhóm xét tuyển thi sẽ lọc được ảo" - Thứ trưởng Ga khẳng định.
Ảo còn rất ít?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết: Mối quan tâm lớn của các trường là kiểm soát ảo như thế nào? Bà Phụng nhấn mạnh: Không thể dùng kinh nghiệm tuyển sinh năm 2016 để áp cho năm 2017 như vậy sẽ không chính xác bởi năm 2016 mỗi TS trúng tuyển 2 nguyện vọng (NV) và các trường không biết được TS đang trúng tuyển đi NV 1 hay NV 2; các trường cũng không biết được TS trúng tuyển vào trường ở top nào, nhưng năm nay, nếu tham gia nhóm thì những nội dung này sẽ rõ hơn rất nhiều.
“Khi tham gia nhóm xét tuyển 2 miền Nam, Bắc, toàn bộ cơ sở dữ liệu sẽ được Bộ GD&ĐT cung cấp nên ảo sẽ đỡ hơn rất nhiều. Trừ ảo bao nhiêu là ở các trường, các trường tự lo, tự xác định trên cơ sở phân tích dữ liệu và kinh nghiệm của các trường” - bà Phụng nhấn mạnh.
Bà Phụng cũng khẳng định, tham gia nhóm ảo vẫn có, nhưng số lượng này không nhiều. Theo bà Phụng, ảo có thể sẽ rơi vào 3 trường hợp: Thứ nhất, TS trúng tuyển ĐH nhưng đi nước ngoài, hoặc bỏ không học, thường rơi vào trường top trên; thứ 2, xét học bạ học sinh giỏi của các trường top trên; thứ 3, là trường hợp các trường khối công an, quân đội, các trường này lấy điểm chuẩn khá cao, nhưng quy trình xét tuyển khá chậm nên khi kết thúc xét tuyển vẫn chưa có thông tin.
Còn ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) thì cho rằng: Việc tham gia nhóm là cần thiết. Nhóm càng to thì càng lợi. “Khi tham gia nhóm ảo vẫn còn tồn tại, nhưng không đáng kể. Ảo chỉ còn đối với các trường xét tuyển học bạ bình thường, rơi vào các trường lấy điểm sát sàn. Số ảo còn lại tồn tại ở trường top trên vì một số học sinh đỗ ĐH nhưng đi học nước ngoài. Số lượng này rất ít so với tổng số TS đăng ký dự thi”.
Gia Hân
.