Dạy thêm- học thêm từ lâu đã được dư luận lên tiếng. Dù học thêm đã được chứng minh là nhu cầu có thật và dạy thêm không có gì xấu; song biến tướng tiêu cực của nó lâu nay đã ít nhiều làm xấu đi hình ảnh người làm thầy. Nhưng, giải quyết nó như thế nào?
 

Quá tải- một trong những nguyên nhân dẫn đến việc học thêm. (Ảnh minh họa).
Quá tải- một trong những nguyên nhân dẫn đến việc học thêm. (Ảnh minh họa).


1. Thực tế thì tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn khá tràn lan với nhiều biến tướng. Chị Hà ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) có con học ở bậc THCS chia sẻ: Nhiều năm nay, ngay những ngày đầu tiên của năm học mới, phụ huynh lại nhận được bản cam kết do nhà trường thảo sẵn với nội dung tự nguyện xin học thêm tại trường. Con đem về bản cam kết, chần chừ mãi rồi cũng đành ký vì nếu không tham gia, kiểu gì con cũng gặp rắc rối.

Không dừng ở đó, tại cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhiều giáo viên còn gợi ý về các buổi học thêm 3 môn cơ bản là Văn, Toán và Ngoại ngữ ở địa điểm ngoài do giáo viên thuê. Thế là trung bình một tuần học sinh cứ quay cuồng với một buổi học chính khóa, 3 tiết học thêm trong trường, 3 tiết học thêm ở ngoài.

Đáng thương hơn cả là tình cảnh học thêm của học sinh bậc tiểu học. Cuối giờ học, lẽ ra có thể thoải mái nhảy dây, đùa nghịch, lấy lại cân bằng giữa tinh thần và thể chất thì lại bị “trói” vào cái gọi là “trông giữ ngoài giờ”. Kiểu mà thầy giáo Nguyễn Văn Lợi- Hiệu trưởng Trường tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng giải thích trong buổi làm việc với Hội đồng nhân dân TP HCM về tình hình dạy thêm, học thêm mới đây rằng: Việc dạy thêm, học thêm trong nhiều trường hợp ở trường tiểu học thực chất là giữ trẻ, tạo một môi trường an toàn, lành mạnh cho con trẻ khi bố mẹ chưa kịp đón về. Hai ngày cuối tuần, học sinh tiểu học được nghỉ, nhưng có giáo viên lại chia đôi, chia ba lớp thành các nhóm để dạy ở nhà, gọi là dạy kèm. Tiếng là nghỉ nhưng thực ra vẫn phải học cật lực. “Theo học thì khổ mà không theo còn khổ hơn”- một phụ huynh khốn khổ thốt lên.

Thực tế ở hầu hết các điểm dạy thêm, giáo viên thường dạy học sinh lớp mình dạy chính khóa, dạy trước chương trình, cho làm trước các dạng bài tương tự bài kiểm tra ở lớp và thiên vị đối với học sinh học thêm... Đáng ngại là những điều ấy được một bộ phận học sinh coi là lợi ích của việc học thêm.

2. Câu chuyện dạy thêm- học thêm gần đây thực sự nóng lên khi TP.HCM quyết liệt trong việc thực hiện quy định cấm dạy thêm, học thêm.

Có quan điểm cho rằng việc dạy thêm là xuất phát từ nhu cầu của học sinh, mà cụ thể hơn là phụ huynh học sinh. Theo thống kê mới nhất của Sở GD-ĐT TP HCM, hiện nay có khoảng 100.000 học sinh tiểu học (chiếm 20% tổng số học sinh tiểu học toàn thành phố) đang học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa. Tỉ lệ này tăng nhẹ đối với hai bậc THCS và THPT với 190.000 học sinh học thêm tại các cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 học sinh học tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường (chiếm tỉ lệ 35% học sinh trung học của thành phố). Trong đó, chiếm đa số các trường hợp xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh và giáo viên, chỉ có chưa đến 10% trường hợp dạy thêm, học thêm do biến tướng, bị giáo viên ép buộc.

Nhiều phụ huynh chia sẻ phải cho con đi học thêm vì sợ giáo viên trù dập. Có những em học không tệ nhưng phụ huynh lại ép con học thêm vì đòi hỏi con em mình phải giỏi hơn. Mới đây, lá đơn xin cho con tôi học dốt chia sẻ trên trang cá nhân của nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng phải nặng lòng suy nghĩ khi nhà văn chia sẻ:  “...Rồi tôi như mọi người, tìm tới tận nhà thầy cô để năn nỉ cho con mình được đi học thêm. Thầy nói lớp đầy, không còn chỗ, tôi van xin để con mình kê thêm cái ghế ngồi trong lớp... Học nhà thầy chưa đủ, tôi đăng ký trung tâm cho cháu học. Lịch của cháu là học trường sáng chiều, tối đến trung tâm, thứ bảy, chủ nhật thì học nhà thầy... cốt yếu chỉ để con tôi... trở thành học sinh giỏi”.

Lá đơn được viết dưới góc nhìn của một phụ huynh khi chứng kiến tình trạng học tập của con mình và tha thiết xin cho con được trở thành học sinh dốt trong năm học này, để không phải chịu thêm những áp lực. Điều đó phản ánh một góc tối của vấn đề. Tiến sĩ Vũ Thu Hương- giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích: Thời gian gần đây, tại Việt Nam, bọn trẻ chẳng còn có quyền được sử dụng những gì của chúng nữa. Tất cả được gom vào túi tiền và tham vọng của người lớn. Chính các bậc phụ huynh tạo áp lực cho con, khiến con mình bị quá tải, không có thời gian để tự học, trải nghiệm cuộc sống.


Được biết hiện nay, lương nhà giáo xếp thứ 14 trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Tính theo thang bậc lương hiện nay, một giáo viên mới ra trường có lương khoảng 3,6 triệu đồng/tháng. Giáo viên giảng dạy 15 năm trong nghề mới có thu nhập hơn 5,7 triệu đồng/tháng. Giáo viên có thâm niên hơn 25 năm trong nghề thì lương được hơn 8 triệu đồng/tháng. Nhiều giáo viên không sống được bằng lương, dạy thêm cũng vì miếng cơm manh áo. Nhưng theo nhận định của GS Hoàng Tụy- người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục thì thực tế thu nhập của giáo viên không tồi, thậm chí có giáo viên giàu vì dạy thêm.

Như vậy, họ chỉ làm vừa phải công việc chính và dồn sức cho việc dạy thêm là chính. Với cách làm này, thu nhập từ dạy thêm của một số giáo viên có thể gấp 10 lần lương, cuộc sống sẽ được cải thiện đáng kể nhưng lương tâm sẽ cắn dứt.

3. GS Hoàng Tụy từng mạnh mẽ lên án việc dạy thêm - học thêm và theo ông khả năng tự học, tự nghiên cứu là điều rất cần trong giáo dục, bồi dưỡng nhân tài. Những năm gần đây xuất hiện nhiều thủ khoa đại học là học sinh nông thôn, tự học, không biết đến việc học thêm. Điều đó cho thấy, nếu học sinh có kỹ năng tự học, sẽ học rất giỏi, đạt thành tích cao.

Nhiều chuyên gia giáo dục khác cũng cho rằng vấn đề dạy thêm- học thêm đang được giải quyết dựa trên cơ sở giáo viên và nhà trường cùng có thu nhập. Còn học sinh thì tự nguyện học thêm, phụ huynh đồng ý... rồi lại bức xúc- như một vòng luẩn quẩn chưa dễ gì tháo gỡ.
 

Trước thềm năm học mới, trao đổi với báo chí về tình trạng dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Học thêm, dạy thêm là nhu cầu có thật nên Bộ không cấm, nhưng cấm dạy thêm tràn lan, không đúng, ý đồ như đưa nội dung chính khóa thành nội dung dạy thêm, ép học sinh phải học thêm. Giải pháp để loại bỏ dạng dạy thêm học thêm này là phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, giảm tải chương trình gắn với đổi mới đánh giá, thi cử.

 

Theo Đại đoàn kết

.