Tôi bắt đầu biết đến khái niệm "chủ tịch hội đồng tự quản" trong lớp tiểu học từ tháng 10 năm ngoái khi được mời đi thực tế về mô hình giáo dục "trường học mới" ở Việt Nam (viết tắt là mô hình VNEN).
 
 
Theo ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), cả huyện có 3 trường tổ chức dạy hoc theo mô hình VNEN. Khi làm thì phải chọn hiệu trưởng "cứng tay" bởi không dễ thay đổi nếp dạy truyền thống của giáo viên, và nhất là nhận thức của người dân trong xã.
 
Mặc dù Hà Tĩnh đã có 48 trường nhân rộng mô hình, bà Nguyễn Thị Hải Lý, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cho biết, việc triển khai nhân rộng là rất cần thiết, nhưng địa phương vẫn làm rất thận trọng.
 
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giữa tháng 5 vừa qua ở Hà Giang, ông Hạng Mý De, đại diện Hội Khuyến học, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT nêu băn khoăn mà giáo viên "không dám nói" còn phụ huynh thì "hoang mang, không hiểu gì". Đó là những thay đổi trong cách đánh giá ở bậc tiểu học theo Thông tư 30 và mô hình trường học mới. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trấn an và gợi ý giải pháp "cần làm truyền thông để thay đổi nhận thức" nhưng xem ra chưa trấn tĩnh được gì.
 
Việc sửa đổi Điều lệ trường tiểu học, trong đó có chi tiết "chủ tịch hội đồng quản trị" thay cho "lớp trưởng" là chuyện chuẩn bị cho việc chuyển áp dụng đại trà toàn quốc mô hình giáo dục VNEN.
 
Tuy nhiên, những bài học từ việc áp dụng đại trà Thông tư 30 trong năm học sẽ đặt ra một số vấn đề cần giải quyết trước khi nhân rộng mô hình VNEN ra cả nước. Thông tư 30 - văn bản hướng dẫn cách đánh giá học sinh hiện đại - sau một năm thí điểm, khi đưa vào đại trà đã bị giáo viên phản ứng gay gắt và một trong những bài học ở đây là chính nội bộ ngành chưa "đả thông" được tinh thần cho giáo viên. Còn với mô hình VNEN thì công việc lớn hơn nhiều, không chỉ thuyết phục giáo viên, đả thông dư luận xã hội, mà quan trọng hơn là tường minh cho được dự án vay vốn ODA thực sự không phải "thừa giấy vẽ voi" như cách dư luận phản ứng những ngày qua.
 
Dân chủ giáo dục: "Vỏ ngôn ngữ" hay "ruột tư tưởng"?
 
"Dân chủ và giáo dục" nay không chỉ còn là một tiêu đề của cuốn sách dẫn nhập vào triết lý giáo dục của John Dewey - một nhà triết học, tâm lý học nổi tiếng của Mỹ. Nó đã xuất hiện trong ngôn ngữ của các nhà quản lý giáo dục Việt Nam.
 
Tết Ông Táo năm vừa rồi rơi vào ngày 11/2. Khi năm sắp hết, Tết sắp đến, đường xá thì đông kẹt người và tòa soạn người đã vãn để làm nghi thức Tết, bạn đọc ra đường sắm Tết, tôi lại lọ mọ đến Hội trường Nhà thi đấu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để nghe một Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói chuyện về đổi mới sư phạm với các sinh viên.
 
Nói chuyện trong hội trường chật kín chỗ ngồi liên tiếp trong 2 giờ không nghỉ, Thứ trưởng có đề câp tới tinh thần "dân chủ" của lần đổi mới giáo dục này. Trong đó, có những "việc to" như phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ tới các trường phổ thông, tới các giáo viên, thay vì dạy theo kế hoạch dạy học cứng nhắc, nhà trường sẽ tự chủ xây dựng phát triển chương trình dạy học của mình. Có những "việc nhỏ" như tổ chức lớp học ở tiểu học theo mô hình VNEN.
 
Cố ngồi nghe cho hết buổi diễn thuyết, tôi thầm nghĩ không biết bao nhiêu phần trăm sinh viên học được từ Thứ trưởng về bài học đổi mới, khi mà cách "giảng bài" của ông vẫn hoàn toàn truyền thống.
 
Tôi lại nhớ hồi tháng 7 năm ngoái, khi hỏi thông tin về những khảo sát khoa học và kết quả sau một năm làm thí điểm "không chấm điểm thường xuyên ở bậc tiểu học", câu trả lời "Kết quả tốt, không có phản hồi gì" từ người phụ trách mảng giáo dục khiến tôi không khỏi băn khoăn: Làm như vậy đã thấu đáo, thật sự dân chủ hay chưa hay vẫn là tư duy áp đặt để "chạy" cho kịp một chủ trương ra đại trà?
 
Tôi lại nhớ tới những lần khi đồng nghiệp của mình vất vả thế nào để thu thập các thông tin viết bài. Các nhân vật được phỏng vấn sau đó đã nhận được những phản hồi không chính thức về việc "không được mở thông tin" cho báo giới, từ những người quản lý trong ngành. Một tinh thần "đóng miệng" như vậy làm sao để tạo cơ sở về lòng tin cho cách làm việc "dân chủ".
 
"Chiếc áo không làm nên thầy tu. Việc thay mới hoặc bổ sung các từ ngữ như "chủ tịch hội đồng tự quản", "ban"; đến việc kê lại cách ngồi trong lớp học sẽ là những biểu hiện hình thức chưa đủ sức thuyết phục được rằng "chúng tôi sẽ cam kết đổi mới giáo dục theo tinh thần giáo dục tinh thần dân chủ, tiến bộ cho học sinh", trừ phi những người có trách nhiệm thuyết phục bằng chính hành động của mình. Đổi mới hay cải cách giáo dục, dù học theo mô hình của xứ sở nào đi chăng nữa, thì vẫn không thể rời nguyên tắc cơ bản "giáo dục làm gương".
 
Theo Vietnamnet
.