TP HCM hiện có khoảng 90 trường THPT ngoài công lập, chưa kể các trường có yếu tố nước ngoài, mỗi năm đáp ứng gần 20% chỗ học cho học sinh TP, tuy nhiên chất lượng của các trường thế nào vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo các chuyên gia giáo dục, khuyến khích mô hình trường ngoài công lập (NCL) là cần thiết khi chỗ học tại các trường công chưa đáp ứng đủ nhưng cơ chế kiểm tra, giám sát kể cả hỗ trợ các trường này như thế nào hiện vẫn còn nhiều khoảng trống. Trước mỗi mùa tuyển sinh, phụ huynh vẫn đau đầu khi tìm trường cho con.

 

 Học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến trong giờ ôn bài Ảnh: TẤN THẠNH
Học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến trong giờ ôn bài Ảnh: TẤN THẠNH


Chọn trường vì “tỉ lệ đẹp”

Một chuyên gia về giáo dục phổ thông cho biết tại TP HCM, Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến dù là trường NCL nhưng là niềm mơ ước của phụ huynh bởi nhiều năm, thương hiệu của trường được khẳng định bằng kết quả học sinh tốt nghiệp THPT, tỉ lệ đậu ĐH cao, trong đó nhiều năm có thủ khoa ở các trường ĐH uy tín.

Độ “hot” của Nguyễn Khuyến thể hiện ở chỗ trong khi đa số các trường NCL khác nhận đủ mọi đối tượng học sinh thì trường này yêu cầu học lực phải khá, giỏi, hạnh kiểm tốt, sau đó phải thêm một lần kiểm tra để biết có đủ khả năng theo học hay không. Tuy nhiên, đó mới chỉ là chọn trường dựa trên những “tỉ lệ đẹp”, tức là phụ huynh vẫn mong muốn con đậu ĐH, nên thấy trường có tỉ lệ đỗ ĐH cao là chọn còn những tiêu chí khác như kỹ năng sống, rèn luyện thể chất thì không chú trọng. Đó là cách lựa chọn phiến diện nhưng khó trách bởi tiêu chí đánh giá, kiểm tra thế nào là một trường NCL tốt hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Hiệu trưởng một trường THPT NCL tại quận 1, TP HCM cho biết trước đây, tiêu chí khi chọn trường NCL của phụ huynh là ăn được, ở được, học được. Với các trường NCL, hầu hết là học sinh ở nội trú nên tiêu chí ăn, ở rất quan trọng. Ăn phải ngon, sạch, chỗ ở cũng phải thoải mái, nhất là vấn đề kỷ luật, an ninh khi học sinh ở nội trú cũng phải bảo đảm. Có những trường có cơ sở vật chất tốt thì kèm thêm tiêu chí chơi được, tức là có khu vui chơi, khu giải lao, thể dục thể thao... cho học sinh sau giờ học. Thế nhưng, khi các trường NCL mở ra ngày càng nhiều thì những tiêu chí này chỉ là yếu tố cơ bản. Còn tuyển được nhiều hay ít lại phụ thuộc nét riêng của mỗi trường. Nhưng để tạo được nét riêng, các trường phải tự vận động bởi cơ chế hỗ trợ cho trường tư hiện nay hầu như không có.

Chú trọng phát triển toàn diện?

Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú), cho biết việc có thêm bao nhiêu trường NCL không quan trọng bởi đó cũng như là thử thách, tạo cơ chế cạnh tranh để các trường ngày một tốt hơn. Chẳng hạn, ngoài việc chú trọng dạy đạo đức, kỹ năng, trường còn khuyến khích, hỗ trợ học sinh mạnh dạn tham gia nghiên cứu khoa học. Vì là hướng đi mới nên ban đầu, trường phải giải thích với phụ huynh vì không ít gia đình lo con không còn thời gian học chương trình chính khóa nhưng may mắn đây là hướng đi tốt được cả bộ và sở ủng hộ, học sinh đạt giải khi tham gia nghiên cứu khoa học cũng được cộng điểm ưu tiên ở nhiều kỳ thi nên phụ huynh an tâm.

Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm, trường chủ trương ngoài học chính khóa, học sinh phải được phát triển toàn diện thể chất, kỹ năng. Vì thế, trường ưu tiên thành lập các câu lạc bộ để học sinh sau giờ học tùy thuộc vào năng khiếu, sở thích để tham gia, đồng thời xây dựng các chuyên đề ngoại khóa để học sinh có cơ hội thực hành, gắn kiến thức trên lớp vào các tình huống thực tiễn.

Hiệu trưởng một trường THPT NCL tại quận Tân Phú cho biết nhiều phụ huynh chọn trường chỉ vì xem trường NCL là nơi trông giùm con họ khi gia đình không thể theo sát vì kỷ luật ở các trường NCL thường rất khắt khe. Từ điều này dẫn đến có trường, học sinh trình độ nào cũng nhận, chỉ cần tuyển đủ chỉ tiêu khiến chất lượng đào tạo trở nên lôm côm, ảnh hưởng uy tín của trường NLC.

Quan trọng là hướng đi sau phổ thông

Ông Ngô Tương Đại, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ, cho biết các bậc cha mẹ khi chọn trường tư luôn có băn khoăn về học phí. Tuy nhiên, chính vì có nhiều trường tư thục nên sẽ cạnh tranh nhau về chất lượng, học phí để tuyển sinh, dẫn đến luôn có nhiều loại hình trường để phụ huynh lựa chọn. Mặt khác, kỳ thi THPT quốc gia áp dụng cho tất cả loại hình trường nên về cơ bản, việc dạy học trong các trường sẽ không có sự khác biệt nào đáng kể. Hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức xét bằng học bạ học sinh nên các trường đều tập trung dạy cho tốt. Quan trọng là học sinh nên lượng sức mình học đến đâu để chọn hướng đi sau phổ thông thế nào cho phù hợp.

 

Theo Người lao động
 

.