Ở Ukraine, ngoài làm thêm rất nhiều nghề như bán hàng ở chợ Barabashova, làm nhân viên quán cà phê, dạy học cho trẻ em Việt Nam, trông trẻ, chụp ảnh thuê... nhiều du học sinh Việt Nam còn tự kinh doanh.
 Vương Duy Thanh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế Kharkov làm thêm bằng nghề sửa điện thoạ
Vương Duy Thanh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế Kharkov làm thêm bằng nghề sửa điện thoạ
Một số du học sinh Việt Nam kinh doanh mỹ phẩm, quần áo bằng cách nhập hàng từ xa, quảng cáo hàng trên mạng và bán cho giới trẻ người Việt tại Ukraine.
Cũng giống ở Việt Nam, những công việc này rất khó lấy lòng tin và sự tín nhiệm ở người mua lúc mới kinh doanh. Đôi khi những sinh viên này còn bị la mắng, kiện tụng, thậm chí bị mang tiếng trong cộng đồng người Việt tại xứ sở này.
 
Vương Thanh Huyền (sinh viên năm 2 Trường ĐH Kinh tế - ĐH Tổng hợp Kharkov, Ukraine) cho biết đã kinh doanh từ cuối năm học thứ nhất. Huyền chia sẻ: “Lúc đầu khó khăn lắm, mình tưởng là không thể tiếp tục. Sau này khách hàng thích những mỹ phẩm mình bán ra nên mình thấy rất vui. Kinh doanh để kiếm thêm thu nhập, chứ lớn rồi ăn bám bố mẹ mãi cũng khó coi lắm”.
Nguyễn Chí Thanh, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Kharkov phụ bán hàng ở chợ - Ảnh: Doãn Minh Mạnh
Nguyễn Chí Thanh, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Kharkov phụ bán hàng ở chợ - Ảnh: Doãn Minh Mạnh
 Ngoài kinh doanh mỹ phẩm, một số bạn trẻ còn chọn công việc giúp gia đình ở những sạp hàng riêng của bố mẹ, tự đứng ở những sạp hàng riêng, đi bán hàng nước rong trong chợ. Huyền cho biết thêm, muốn làm được công việc này cần đầu tư xe đẩy, phích nước nóng và vốn mua hàng.
Để có công việc thù lao cao thật không đơn giản. Vũ Xuân Vượng (sinh viên năm cuối Trường ĐH Bách khoa Kharkov, Ukraine), đang làm công việc trực điện thoại với mức thù lao khá, cho biết: “Công việc này tưởng nhàn hạ nhưng thực ra bận lắm. Nhiều khi mình làm liên tục không nghỉ, thậm chí lúc đang ngủ say mà có tiếng chuông điện thoại vẫn phải bật dậy để nghe”.
 
Làm gia sư ở Việt Nam đã khó, dạy học cho người Việt ở đây lại càng khó hơn, vì đa số học sinh có vốn ngôn ngữ tiếng Việt không sõi mà tiếng Nga cũng không biết nhiều, do đó đòi hỏi người dạy phải thông thạo cả hai thứ tiếng Nga và Việt, đồng thời phải kiên nhẫn và quyết tâm mới làm tốt được công việc. Nguyễn Văn Quỳnh (nghiên cứu sinh ngành toán thuộc ĐH Tổng hợp Kharkov, Ukraine) nói: “Nhiều em nhỏ tính cách nửa Tây nửa ta, mình phải vừa dỗ, vừa dạy”.
 
Bên cạnh các công việc trên, du học sinh tại một số trường liên quan đến ngành công nghệ thông tin bắt tay nhau làm công việc sửa chữa máy tính cho người Việt. Doãn Minh Mạnh (sinh viên năm 3 Trường ĐH Điện tử Kharkov, Ukraine) cho biết: “Công việc khá áp lực, phải làm từ sáng đến chiều tối. Từ ngày đi làm mình biết quý trọng đồng tiền hơn, và biết thương sự vất vả của cha mẹ hơn”.
 
Công việc làm thêm giúp du học sinh có thêm thu nhập, nhưng nếu không biết sắp xếp thời gian sẽ ảnh hưởng đến việc học. Do đó, Quỳnh cho rằng: “Mình nghĩ việc học vẫn là quan trọng nhất. Nếu vừa đi học vừa đi làm thì kết quả học tập dễ sa sút lắm, nên mình lo việc học trước đã”.
 
Để không ảnh hưởng đến việc học, nhiều du học sinh chia sẻ có thể chỉ làm vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hoặc trong kỳ nghỉ hè.
 
Đi làm thêm ở xứ người thực sự không đơn giản, mặc dù rất khó khăn và thu nhập 1 tháng chỉ được khoảng 200 - 300 USD (so với giá cả đắt đỏ ở Ukraine thì số tiền này rất ít), nhưng với sự năng động, nhiều du học sinh vẫn cố gắng tìm kiếm cho mình một công việc để được thử sức, trưởng thành và học hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng trong cuộc sống.
 
Theo Từ Thanh Hiền
Thanh Niên