"Tại sao các em lại không đăng ký thi môn Lịch sử, chính chúng tôi cũng không giải thích được. Chúng tôi có họp phụ huynh, tư vấn, giải thích nhưng việc tự chọn phải là của HS. Có thể các em thấy số liệu, dữ liệu môn Địa dễ học hơn nên đăng ký nhiều”, một Hiệu trưởng nói.
 


Rất ít học sinh chọn môn Lịch sử

Tính đến thời điểm hiện nay, các trường phổ thông đã cho HS đăng ký môn thi tự chọn tốt nghiệp thứ 4 sau môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Tuy nhiên, vẫn lặp lại tình trạng như năm 2015, đó là rất ít HS chọn thi môn Lịch sử. Dự báo cũng sẽ có những trường không có thí sinh nào chọn thi môn Lịch sử.

NGƯT Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường Well Spring, Hà Nội cho biết: Mặc dù các em HS rất thích môn Lịch sử, giáo viên dạy môn Lịch sử rất hấp dẫn nhưng nhìn lượng kiến thức phải học, với số liệu nhiều như thế, các em thấy khó làm được bài thi tốt nên đa phần chọn thi môn Địa. “Chưa có năm nào ở trường tôi có HS lựa chọn môn Lịch sử. Khi các em được lựa chọn thì sẽ chọn môn Địa lý, vì Địa lý cũng là môn khoa học xã hội nhưng vẫn mang tính chất của khoa học tự nhiên, dễ học, dễ nhớ hơn” – ông Đại cho hay.

Cũng trong tình trạng tương tự, tại Trường THPT Sóc Sơn đến nay cũng chưa có HS nào đăng ký thi môn Sử. Ông Nguyễn Tu Tập, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ giữa học kỳ 1 nhà trường đã cho các em lựa chọn nguyện vọng, đồng thời vẫn tiếp tục cho các em được thay đổi nguyện vọng đến khi nào hết hạn đăng ký. Với những môn bắt buộc thì 100%  HS phải thi, còn môn thứ 4 thì có em đăng ký thi môn Lý, Hóa, Địa, Sinh. Trong đó, các em đăng ký thi Địa rất nhiều, vì theo các em đây là môn dễ học nhất.

Với môn Lịch sử thì đến giờ phút này chưa có em nào đăng ký cả. “Vì là nguyện vọng của các em nên chúng tôi cũng không có quyền bắt các em phải thi môn nào” – ông Tập cho hay.

Tiếp tục chia sẻ, ông Tập cho biết: Với các em đã có nguyện vọng về môn để ôn thi, chúng tôi đã có phân công cho giáo viên hướng dẫn ôn tập. Đến giờ phút này đã có môn dạy được 2 tháng, môn 1 tháng, và được triển khai liên tục để các em nắm vững kiến thức. Nhà trường  cũng có tổ chức riêng những lớp chất lượng cao để tạo điều kiện cho các em ôn tập tốt theo từng khối thi.

Cơ bản các em HS đăng ký nguyện vọng môn thi khá ổn định. Tuy nhiên cũng vẫn có các em thay đổi môn thi. Nhà trường vẫn tạo điều kiện nhưng cũng khuyến khích, động viên các em có tư tưởng kiên định với môn thi của mình. Với em nào thay đổi nguyện vọng thì phải chấp nhận ôn tập theo các bạn đã học từ trước, và phải rất cố gắng mới có thể đảm bảo được kết quả. Tinh thần của nhà trường cũng như HS, đến giờ phút này đã không còn bỡ ngỡ nhiều như năm ngoái. Với đội ngũ cán bộ, HS ổn định hơn, hi vọng sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ, và kết quả sẽ tốt hơn”.

Cũng ở tình trạng tương tự, Nhà giáo Lưu Danh Chiêm, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Đô, quận Bắc Từ Liêm cũng cho biết thông tin: Số HS đăng ký môn Lịch sử của trường hầu như không có. Các em chọn chủ yếu là 4 môn Văn Toán, Ngoại ngữ, và Địa. “Còn tại sao các em lại không đăng ký thi môn Lịch sử, chính chúng tôi cũng không giải thích được. Chúng tôi có họp phụ huynh, tư vấn, giải thích nhưng việc tự chọn phải là của HS. Có thể các em thấy số liệu, dữ liệu môn Địa dễ học hơn nên đăng ký nhiều”.

Học sinh chọn ngành, chọn trường theo phong trào

Bên cạnh việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT, vấn đề tư vấn hướng nghiệp, chọn ngành, chọn trường phù hợp cho các em HS cuối cấp cũng đang được các trường THPT triển khai mạnh mẽ. Về điều này, ông Lưu Danh Chiêm nhận định: Hiện nay các em đăng ký dự thi theo phong trào nhiều, thấy bạn thi gì thì đăng ký thi theo. Bởi có nhiều em chưa có chính kiến rõ ràng về cuộc đời, sự nghiệp của mình. Điều này nhà trường cũng đang phải hóa giải.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Trường THPT Tây Đô cũng chia sẻ sự băn khoăn: “Trường tôi thuộc vùng trồng hoa, tư tưởng của phụ huynh còn nặng vấn đề, con không thi được thì về nhà trồng hoa nên việc tư vấn hướng nghiệp cũng gặp khó khăn”

Cũng có cùng lo lắng, ông Đặng Đình Đại tâm sự: “Chúng tôi đã có tổ chức tư vấn dựa trên nguyện vọng của các em. Nhưng còn việc có nghe theo tư vấn hay không là chuyện hoàn toàn phức tạp. Bởi HS còn có bạn bè, có bạn trai, bạn gái. Thấy bạn thi trường này cũng muốn thi với bạn chẳng hạn… Cái này thầy cô nói không được, bố mẹ cũng thế. Đó là vấn đề rất thực tế".

“Với vai trò tư vấn, chúng tôi vẫn lưu ý với các phụ huynh và HS lớp 12 hãy chú ý cái lớn nhất đó là năng lực của bản thân mình, thứ hai là phải xem xét nhu cầu xã hội. Làm hiệu trường gần hai mươi năm, tôi thấy rõ HS thường chạy theo số đông, mà không dựa theo năng lực của mình. Lời khuyên của tôi đối với HS của trường luôn là, các em phải xem điểm tuyển sinh của trường đó năm ngoái như thế nào rồi dựa vào thực lực của mình, dựa vào các kỳ kiểm tra mà các em tham gia để lựa chọn đúng, tránh được lượng thí sinh ảo”.

Ông Đại nhận định rằng: Công tác tư vấn cần phải dựa trên những nguyên tắc như trên. Bởi vì nguyện vọng không phải chỉ dựa trên nguyện vọng cá nhân mà còn của gia đình nữa. Ví dụ bố mẹ làm ở ngành y cũng muốn con theo ngành y thì nhà trường phải tư vấn thế nào để hợp lý cho các em, ví dụ với mức học chưa cao lắm thì đừng đăng ký ĐH Y Hà Nội mà đăng ký vào trường y khác lấy điểm thấp hơn…

Đồng thời, trong công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, vai trò của giáo viên chủ nhiệm cũng rất quan trọng. Bởi “Giáo viên chủ nhiệm là người tư vấn trực tiếp nhất cho học sinh, biết được năng lực của HS thông qua sinh hoạt làm việc hàng ngày, biết được nguyện vọng, tâm sự khả năng của các em để định hướng cho các em chọn ngành chọn nghề.

Thêm vào đó, để công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS được diễn ra thuận lợi, ngay trong các nhà trường cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Chẳng hạn, trong các buổi chào cờ cũng đã có buổi định hưởng giúp các em cùng bàn bạc với gia đình,  bạn bè,  căn cứ vào khả năng sở thích của mình để chọn trường…” – quan điểm của lãnh đạo Trường THPT Sóc Sơn. 

 

Theo Đại đoàn kết

.