Kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa kết thúc. Ngay trong tối ngày 4/7, khi kết thúc môn thi cuối cùng, Bộ GD&ĐT đã gửi đáp án thi tất cả các môn đến từng cụm thi để bắt đầu thực hiện công tác chấm thi.

 

 Kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa kết thúc, công tác chấm thi đã bắt đầu.
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa kết thúc, công tác chấm thi đã bắt đầu.


Hiện nay, tất cả các cụm thi đều đã bắt tay vào triển khai gấp rút, để theo đúng lịch, đến hết ngày 20-7 sẽ hoàn tất công tác chấm thi, tiến tới giai đoạn thực hiện công tác xét tuyển ĐH, CĐ.

Cố gắng chấm xong trước 20/7

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Công tác chấm thi là hết sức quan trọng. Bộ đã chỉ đạo các cụm thi phải đảm bảo công tác chấm thi đúng tiến độ. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên... có nhiều trường ĐH được cử đi làm nhiệm vụ tổ chức thi cụm quốc gia ở các tỉnh lân cận, sau đó mang bài thi về cụm trung tâm để chấm nên áp lực rất lớn. Ví dụ như không có đủ lực lượng giáo viên, giảng viên tại chỗ, buộc phải huy động giáo viên phổ thông các tỉnh khác về chấm.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã lường trước khó khăn này nên yêu cầu các cụm thi phải có phương án sớm, kiểm soát chặt chẽ lực lượng chấm thi được huy động, đảm bảo việc chấm thi nghiêm túc, chính xác. Theo đó, các địa phương phải tuyệt đối quan tâm, hỗ trợ công tác này một cách tích cực trên mọi phương diện.

Cho đến hôm nay, hầu như tất cả các cụm thi đều đã bắt tay vào công tác chấm thi. Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, công tác chấm thi cũng đang được ráo riết thực hiện. “Các môn thi trắc nghiệm, trường đã liên hệ với Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT), để toàn bộ các môn thi trắc nghiệm sẽ do Bộ chấm giúp.

Ngay từ chiều ngày 4/7, công tác làm phách đã được thực hiện chuyển sang Bộ GD&ĐT chấm. Về chấm thi các môn khoa học tự nhiên, toàn bộ cán bộ của ĐH Bách khoa sẽ tự chấm như Toán, và phần tự  luận của môn ngoại ngữ. Nhà trường huy động khoảng 80 cán bộ.

Còn các môn thi khoa học xã hội, ĐH Bách khoa không có giảng viên chấm như môn Văn, Sử, Địa, theo quy chế cho phép ký hợp đồng với các trường ĐH, các sở nên ĐH Bách khoa cũng đã liên hệ nhờ chấm giúp”- PGS.TS Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa chia sẻ.

Năm nay do tính chất gấp gáp của kỳ thi, và kết quả phải công bố trước ngày 20, hơn nữa các trường ĐH năm nay đều chủ trì một điểm thi nào đó, do vậy đa số các cụm thi đều phải kết hợp với địa phương, các trường phổ thông để thực hiện tốt công tác chấm thi theo kế hoạch. ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã chủ động liên hệ với Sở GD&ĐT Hà Nội, nhờ Sở lựa chọn và cử cán bộ sang làm nhiệm vụ chấm thi tại ĐH Bách khoa.

“Nhà trường dự kiến sẽ theo đúng kế hoạch của Bộ, tức là ngày 19/7 sẽ phải hoàn thành công tác chấm thi, để ngày 20 chuyển dữ liệu về Bộ GD&ĐT. Còn nếu xong càng sớm càng tốt”-ông Tớp nói.

Còn tại Trường ĐH Thủy lợi, Hiệu trưởng Nguyễn Quang Kim, Chủ tịch Hội đồng thi số 3 cho biết: Ngay từ chiều 1/7, sau khi thí sinh hoàn thành xong môn thi buổi sáng (môn Toán), tổ làm phách đã bắt đầu xử lý phách. Sau đó tiến hành làm phách lần lượt các môn khác, đến hết những ngày thi là bắt tay vào chấm ngay.

Lãnh đạo nhà trường chia sẻ: Các môn tự luận phải triển khai các sớm càng tốt, bởi vì so với các môn trắc nghiệm thì thời gian chấm lâu hơn. Tại các phòng chấm thi cũng sẽ lắp camera giám sát, và kiểm soát chặt chẽ để tránh trường hợp thiếu nghiêm túc khi làm nhiệm vụ.

Về cán bộ chấm thi, nhà trường cho biết phải huy động đa số ở bên ngoài trường.

“Môn tiếng Anh ĐH Thủy lợi có một số giáo viên, số còn lại phải mời thêm giáo viên ở các trường phổ thông. Một số ít môn ngoại ngữ khác, cụm nhờ bên ĐHSP Hà Nội chấm. Môn Văn, Sử, Địa thì phải mời hoàn toàn giáo viên bên ngoài. Số giáo viên cho môn Văn khoảng 100 giáo viên, còn giáo viên chấm môn Sử, Địa, nhà trường mời ít hơn do số lượng bài thi ít. Môn Toán, Trường cũng huy động 80 giáo viên bên ngoài và 20 giảng viên của nhà trường…” – ông Kim cho biết.

Giống như cụm thi số 1 ĐH Bách khoa, ĐH Thủy lợi và hầu hết các cụm thi khác cũng dự kiến sẽ hoàn thành công tác chấm thi trong khoảng ngày 19 và 20-7, sau đó bước sang giai đoạn tổ chức xét tuyển ĐH.

Năm nay, công tác ra đề thi được các thí sinh cũng như nhiều chuyên gia đánh giá có tính phân loại cao. Những môn tự luận có nhiều câu hỏi mở, tạo sự thích thú cho thí sinh, đồng thời cũng đánh giá được tư duy năng lực của thí sinh. Tuy nhiên, về công tác chấm thi lại không có một đáp án cố định nào cụ thể, ít nhiều tạo sự lo lắng.

Để trấn an sự lo lắng này, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Đối với các câu hỏi mở cũng sẽ có đáp án mở. Tuy nhiên trong hướng dẫn chấm vẫn đưa ra những gợi ý, những quy định cụ thể đối với câu hỏi mở để giáo viên dựa vào đó chấm thi, vì thế nên thí sinh và người nhà có thể yên tâm.

Sẽ kiểm tra chéo để đảm bảo minh bạch

Ngoài ra, lực lượng giám sát chấm thi sẽ yêu cầu các hội đồng chấm thi  cũng sẽ thực hiện nghiêm quy trình chấm hai vòng độc lập, việc thảo luận, chấm chung để thống nhất hướng chấm thi nhằm tránh việc sai sót, không công bằng”.

Về các khâu chấm thi năm nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã nhiều lần khẳng định: Đã có những quy định rất rõ về trách nhiệm của cụm coi thi và hội đồng chấm thi của địa phương… Đó là tránh để xảy ra tình trạng một số giám thị không hài lòng trong quá trình điều động chấm thi, đồng thời cũng phải đảm bảo an toàn, quyền lợi cho cán bộ trông thi, chấm thi.

Trong quá trình chấm thi sẽ phải có khâu kiểm tra chéo để khắc phục tình trạng trong nội bộ nhẹ tay, đảm bảo sự minh bạch. Barem chấm điểm năm nay được chấm theo thang điểm 10, làm tròn đến 2 chữ số thập phân; không quy tròn điểm đến 0,25 rất rõ (năm 2015, quy định điểm bài thi chấm theo thang điểm 10, lấy lẻ đến 0,25).

Phần mềm chấm thi cũng minh bạch để tất cả giáo viên đều hiểu và chấm điểm như nhau, khắc phục tình trạng lệch điểm đặc biệt ở môn khoa học xã hội. Những giải pháp đó nhằm hướng tới đảm bảo chính xác công bằng cho các thí sinh, không phân biệt các thí sinh để xét tuyển ĐH, CĐ hay công nhận tốt nghiệp...  

 

Theo Đại đoàn kết

.