Kiểm định chất lượng giáo dục: Gấp nhưng phải cẩn trọng
Cập nhật lúc 19:51, Thứ tư, 09/03/2016 (GMT+7)
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) tại ĐH Đà Nẵng. Đây là trung tâm thứ 4 trên cả nước được thành lập sau 3 trung tâm thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM và Trung tâm thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam. (kiểm định chất lượng, giáo dục, Bộ GD&ĐT, trung tâm kiểm định)
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) tại ĐH Đà Nẵng. Đây là trung tâm thứ 4 trên cả nước được thành lập sau 3 trung tâm thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM và Trung tâm thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam.
Khởi động từ năm 2002, nhưng sau hơn 10 năm KĐCLGD ở Việt Nam vẫn chưa thấy chuyển động rõ rệt, nếu không muốn nói là chậm chạp và lúng túng. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, kết quả triển khai KĐCLGD đến nay mới chỉ có 366 trường ĐH, CĐ (chiếm 87% số trường trong phạm vi cả nước) hoàn thành báo cáo tự đánh giá. Trong đó, mới chỉ có khoảng 10% số trường được đánh giá ngoài.
Suốt quãng thời gian không phải là ngắn, để nói về “thành tựu” KĐCLGD cũng chỉ dừng lại ở góc độ ban hành các văn bản pháp quy. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch trên thực tế diễn ra quá chậm. Không kể vài chục trường đã hoàn tất quy trình đánh giá ngoài trước đây, tuy kết quả vẫn chưa công bố, vài năm qua hoạt động kiểm định hầu như đã ngưng lại và cho đến nay Việt Nam vẫn chưa hề có một ai được cấp chứng chỉ kiểm định viên.
|
Bộ GD&ĐT sẽ công khai danh sách các trường ĐH đầu tiên tham gia KĐCLGD. Ảnh tư liệu |
Trước đây, khi mới có hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tại hai ĐH quốc gia, người ta đã tính rằng, công việc của hai trung tâm này sẽ “quá tải”. Bởi cả nước có tới gần 500 trường ĐH, CĐ với chu kỳ 5 năm/lần kiểm định và bình quân mỗi năm, tổ chức này sẽ kiểm định 100 trường. Trong khi đó, dự kiến mỗi trung tâm kiểm định thuộc các ĐH quốc gia sẽ có khoảng 30 kiểm định viên và 25 nhân viên hỗ trợ. Trước khi có thêm các tổ chức kiểm định khác được thành lập sau năm 2015, 2 trung tâm này sẽ phải gồng mình để đảm nhận nhiệm vụ kiểm định 100 trường/năm.
Bộ GD&ĐT cho biết toàn bộ tiêu chuẩn kiểm định, quy trình kiểm định, đào tạo kiểm định viên, cấp và thu hồi thẻ kiểm định viên đều phải tuân thủ quy định của cơ quan này. Bên cạnh đó, việc cấp phép hoạt động 5 năm/lần, đình chỉ hoạt động hay giải thể các trung tâm kiểm định đều do Bộ GD&ĐT quyết định. Vì vậy, nếu Bộ chưa ban hành bộ tiêu chuẩn kiểm định, thì các trung tâm chưa thể tiến hành kiểm định một cơ sở thực tế nào.
Nay, với việc thành lập hai trung tâm kiểm định nữa, có thể, công việc kiểm định của các đơn vị sẽ bớt nặng nề hơn. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Việc kiểm định chất lượng sẽ góp phần minh bạch năng lực của các trường ĐH, CĐ, TCCN trên cả nước. Qua đó, có sự phân biệt rất rõ ràng, công khai bằng cấp của các trường để cho người học chọn lựa. Hiện trên cả nước có hơn 3.000 chương trình đào tạo nhưng mới có hơn 60 chương trình được kiểm định. Do đó số lượng chương trình cần kiểm định còn rất nhiều nên các trung tâm phải làm hết sức.
“Bộ GD&ĐT sẽ công khai các trường được kiểm định. Sắp tới, hai trung tâm KĐCLGD Hà Nội và TP HCM sẽ công bố kết quả kiểm định của các trường đầu tiên. Bộ sẽ đưa danh sách các trường này lên website của Bộ GD&ĐT để người học, người tuyển dụng được biết. Trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh, tuyển dụng như hiện nay thì người ta rất quan tâm. Các trường cũng phải hết sức đầu tư để kiểm định đạt yêu cầu. Chất lượng đào tạo đạt hay không đạt, đạt ở mức nào có thể nói là cực kỳ quan trọng với sinh mạng của các cơ sở giáo dục, đào tạo trong bối cảnh tuyển sinh, tuyển dụng lao động hiện nay. Do đó, đòi hỏi công tác KĐCLGD phải hết sức công minh, cẩn trọng, không du di, thiên vị” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Theo PL&XH
.