Khủng hoảng thừa giáo viên
Cập nhật lúc 00:39, Thứ tư, 01/06/2016 (GMT+7)
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản 10 cơ sở đào tạo giáo viên, các trường còn lại do địa phương và bộ khác quản lý nên việc khống chế chỉ tiêu sư phạm bằng biện pháp hành chính rất khó khăn (Bộ GD-ĐT, thừa giáo viên, chỉ tiêu sư phạm, khủng hoảng)
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản 10 cơ sở đào tạo giáo viên, các trường còn lại do địa phương và bộ khác quản lý nên việc khống chế chỉ tiêu sư phạm bằng biện pháp hành chính rất khó khăn
Liên quan đến việc xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) địa phương năm 2017, Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành, yêu cầu lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo cơ sở giáo dục địa phương căn cứ vào đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất của mình trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp
Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh, thành phải chỉ đạo cơ sở đào tạo thực hiện giảm chỉ tiêu đối với các ngành có dấu hiệu dư thừa nhân lực. Bên cạnh đó, chuyển đổi mô hình đào tạo từ phát triển quy mô, số lượng sang chất lượng, hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của địa phương và xã hội. Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm chính quy đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông năm 2017 phải xác định theo lộ trình giảm để khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm.
Theo tính toán của PGS Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô, dự kiến đến năm 2018, số sinh viên sư phạm ra trường mỗi năm bậc tiểu học là 19.200, THCS là 18.700 và THPT là 23.000. Với con số này thì dù có tăng số học sinh trên giáo viên bình quân lên tương đương các nước công nghiệp phát triển, đến năm 2020, hệ thống cũng không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường. Con số dư thừa lúc ấy là khoảng 41.000 giáo viên tiểu học, 12.200 giáo viên THCS và 16.900 giáo viên THPT.
|
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: TẤN THẠNH |
Lý do dẫn đến khủng hoảng thừa nhân lực ngành sư phạm như trên chính là do hệ thống đào tạo giáo viên đang phát triển quá nhanh, không xuất phát từ nhu cầu. Rất nhiều trường CĐ sư phạm yếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên được nâng cấp lên ĐH hoặc đổi tên để mở rộng tuyển sinh đào tạo trình độ ĐH các ngành sư phạm, ngoài sư phạm.
Sáp nhập các trường sư phạm
PGS-TS Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT, chia sẻ để giải bài toán dư thừa nhân lực sư phạm, không còn cách nào khác là quy hoạch lại các trường sư phạm nằm trong tổng thể quy hoạch chung mạng lưới các cơ sở GD-ĐT.
Trong đó, chỉ giữ lại một số cơ sở đào tạo sư phạm bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu đào tạo. Theo ông Vũ, hằng năm, trong các văn bản hướng dẫn cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT đều đã cảnh báo tình trạng thừa giáo viên và yêu cầu các cơ sở đào tạo hạn chế chỉ tiêu sư phạm. Việc xác định chỉ tiêu sư phạm phải được cơ quan chủ quản quản lý.
Tuy nhiên, trên thực tế, từ nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT không còn cấp chỉ tiêu cho các trường. Việc xác định và đăng ký chỉ tiêu đào tạo hoàn toàn do các trường tự chủ. Bộ chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra việc xác định chỉ tiêu có phù hợp với điều kiện bảo đảm chất lượng hay không chứ không can thiệp vào việc xác định chỉ tiêu, kể cả chỉ tiêu sư phạm.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT chỉ quản 10 trường có đào tạo sư phạm (bằng khoảng 10% cơ sở đào tạo sư phạm), các trường còn lại do địa phương và bộ khác quản lý nên việc khống chế chỉ tiêu sư phạm bằng biện pháp hành chính rất khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ khẳng định việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm phải được đặt trong tổng thể rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; từ đó mới có giải pháp đồng bộ sắp xếp các cơ sở đào tạo sư phạm thuộc diện dôi ra như việc sáp nhập các cơ sở đào tạo khác, thành lập trường cộng đồng để đào tạo đa ngành, chuyển đổi các trường sư phạm thành phân hiệu của các trường ĐH.
Mỗi tỉnh, thành đều có cơ sở đào tạo giáo viên
Theo thống kê, hiện nay trừ tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên. Miền núi và trung du phía Bắc có 19 cơ sở; đồng bằng sông Hồng có 26; Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ có 23; Tây Nguyên 8; Đông Nam Bộ có 18 và đồng bằng sông Cửu Long có 14 cơ sở đào tạo giáo viên. |
Theo Người lao động
.