Chiều 4/7, ngay sau môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2016, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo. Theo đánh giá chung của Bộ, kỳ thi năm nay diễn ra tốt đẹp, giảm tải cho xã hội, nhẹ nhàng cho thí sinh, tạo được hiệu ứng xã hội tốt và là tiền đề cho những đổi mới của năm sau.
|
Thí sinh cười rạng rỡ sau khi kết thúc môn thi Sinh học tại cụm thi số 3 Trường ĐH Thủy lợi chiều 4/7. Ảnh: Như Ý. |
Đề phân hóa cao, phổ điểm rộng
Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, kỳ thi đã kết thúc tốt đẹp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và các địa phương. Hầu hết các điểm thi không xảy ra sự cố, giao thông thông suốt vì thí sinh di chuyển nội tỉnh. Thí sinh phân tán ra tất cả 63 tỉnh thành nên giảm áp lực về hạ tầng cho các thành phố lớn. “Dù cụm thi ĐH hay tốt nghiệp đều bảo đảm an toàn, nghiêm túc như nhau”, ông Ga nói.
Về đề thi, Thứ trưởng Ga cho rằng bảo đảm cả hai mục tiêu tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Đề thi được dư luận xã hội đánh giá cao bởi khả năng phân hóa, không đánh đố thí sinh, tính mở cao. Vì vậy, năm nay phổ điểm của thí sinh chắc chắn sẽ rộng, phân bố thành nhiều mức điểm thi, thuận lợi cho công tác xét tuyển. Đề thi phân bố ở các mức: dễ, vừa, khó vừa, khó, rất khó. Do đó, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga kỳ thi năm nay đã thành công thể hiện ở 2 điểm.
Thứ nhất là đổi mới thi cử, giảm tải cho xã hội, nhẹ nhàng cho thí sinh. Việc đặt 70 cụm thi ĐH ở tất cả các tỉnh, thành là một chủ trương quyết liệt của Bộ GD&ĐT, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và tinh thần trách nhiệm cao của các trường ĐH. Tỷ lệ thí sinh dự thi đạt cao, trên 99% do thuận lợi trong việc thi cử, không phải di chuyển nhiều.
Thứ hai, từ thành công của kỳ thi năm nay, sẽ là tiền đề để đổi mới thi cử năm sau.
Đề Văn: Vẫn băn khoăn
Một trong những vấn đề báo chí quan tâm, chất vấn chính là vấn đề liên quan đến nghi vấn sai sót, lộ đề thi môn Ngữ văn. Trả lời tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: “Bộ đã có văn bản trả lời chính thức, công khai trên các phương tiện truyền thông”.
Theo Thứ trưởng Ga, kỳ thi có lượng thí sinh lớn tham gia, các thông tin sai sót sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý thí sinh. Vì thế, ngay sau khi có thông tin, Bộ chỉ đạo quyết liệt có câu trả lời ngay lập tức để thí sinh yên tâm. Riêng câu hỏi, kết quả xử lý về người đã tung tin “lộ đề thi” không được Bộ trả lời.
Cũng liên quan tới đề môn Ngữ văn, đoạn trích trong phần đọc hiểu được dư luận và báo chí quan tâm vì có dị bản. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT nói: “Bộ khẳng định, trích đoạn trong bài Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ trích từ cuốn Thơ Việt Nam 1945-1985 do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành có độ tin cậy cao, dễ dàng tìm kiếm trong các thư viện”. Hơn nữa, việc đưa ngữ liệu trong tác phẩm thơ có trích dẫn nguồn tư liệu để đặt ra các câu hỏi kiểm tra phần đọc hiểu cũng không ảnh hưởng chất lượng làm bài của các thí sinh. Cũng theo ông Trinh, nguồn dữ liệu đề thi trích dẫn trong môn Văn là chính xác.
Về ba rem điểm năm nay, ông Trinh tiết lộ, khi hội đồng ra đề xây dựng đáp án mở đã gợi ý một số nội dung mang tính chất chìa khóa, còn học sinh làm bài thi bằng năng lực, tâm tư, tình cảm của mình mà không vi phạm pháp luật, đạo đức, văn hóa thì đều đạt điểm. Ông Trinh cũng cho biết, trước kỳ thi Bộ đã tập huấn cán bộ, giáo viên chấm thi rất kỹ vì thế, không lo chuyện giáo viên chấm không công bằng. “Tuy nhiên, trong quy chế không có điểm thưởng cho thí sinh”, ông Trinh khẳng định.
Đầu năm học mới công bố phương án thi 2017
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định việc mở rộng cụm thi ĐH ở tất cả các địa phương trong kỳ thi năm 2016 là “phép thử” để Bộ GD&ĐT trao quyền cho địa phương và các trường ĐH trong công tác tổ chức thi, tuyển sinh. Tiến tới, Bộ chỉ làm công việc quản lý nhà nước.
Từ trước đến nay, xã hội vẫn nghi ngại việc tổ chức thi ở các tỉnh, cho rằng không an toàn, không nghiêm túc. Nhưng qua kỳ thi năm nay cho thấy các địa phương đều có thể làm tốt, đủ cơ sở cả về pháp lý, thực tiễn để tiếp tục đổi mới thi cử trong năm sau. “Làm sao để kỳ thi tới diễn ra nghiêm túc, an toàn nhưng nhẹ nhàng nhất có thể cho thí sinh” – ông Ga phát biểu.
Vì vậy, sau kỳ thi này, Bộ sẽ bàn với các ngành, các địa phương, căn cứ thực tiễn trong những năm gần đây để quyết định phương thức thi, tuyển sinh trong năm 2017. “Có thể ngay vào đầu năm học 2016-2017 để thí sinh kịp thời học tập, ôn luyện. Còn hiện nay quá sớm để khẳng định phương thức thi nào cho năm 2017” – vị Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định.
20/7 phải chấm thi xong
Theo ông Ga, chấm thi sẽ tiến hành ngay ngày 5/7, bảo đảm chậm nhất đến 20/7 phải hoàn tất công tác chấm thi. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rất chặt chẽ công tác chấm thi đến các trường ĐH, các sở GD&ĐT, yêu cầu các cụm thi phải bảo đảm tiến độ chấm thi, không được chậm trễ gây ảnh hưởng đến tiến độ cả nước. Về công bố điểm thi, khi có kết quả chấm thi, Bộ sẽ tổng hợp dữ liệu, sau đó chuyển về cho cả 70 cụm thi ĐH, 50 cụm thi địa phương công bố, do đó không lo bị “sập mạng”.
Bộ cũng đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo các đơn vị hạ tầng công nghệ thông tin ưu tiên khoảng 15-20 phút đầu tiên khi công bố điểm thi cho các cụm thi để tránh nghẽn mạng. “Bởi kinh nghiệm của năm 2015 cho thấy, chỉ cần giải quyết được “xung” ban đầu thì sẽ không bị nghẽn mạng, sập mạng” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay.
Liên quan đến công tác xét tuyển ĐH, CĐ sau khi công bố kết quả thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết thời gian đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) đã giảm một nửa so với năm 2015.
Năm nay, Bộ chuẩn bị đầy đủ phần mềm xét tuyển, thời điểm này đã chạy thử nghiệm, sẵn sàng vận hành. Trong quá trình xét tuyển, các trường THPT, các đơn vị huy động tối đa máy tính có kết nối mạng để phục vụ thí sinh đăng ký trực tuyến.
Mặt khác, ông Trinh cũng cho biết thời gian xét tuyển sẽ kết thúc sớm hơn 1 ngày để nếu có trường hợp gì xảy ra có thể xử lý được. Năm nay cũng không còn quy định được rút hồ sơ ra nộp hồ sơ vào nên các trường ĐH sẽ không công bố dữ liệu điểm của thí sinh nộp hồ sơ vào trường mình. “Do đó, sau khi đã cân nhắc kỹ, nộp vào trường nào, thí sinh có thể yên tâm đợi kết quả” – ông Trinh khẳng định.
Theo Tiền phong