(BVPL) - Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng hướng Trường Đại học (ĐH) Hoa Sen theo cơ chế hoạt động phi lợi nhuận, còn nhóm cổ đông ĐH Hoa Sen lại có cả một kế hoạch cụ thể để xây dựng ĐH Hoa Sen thành trường “Đại học Quốc tế của người Việt”. Tương lai ĐH Hoa Sen đang là một câu hỏi lớn sẽ được giải đáp khi UBND TP.HCM đưa ra kết luận về tính hợp pháp của Đại hội đồng cổ đông bất thường ĐH Hoa Sen tổ chức ngày 2/8.
Cơ chế phi lợi nhuận của Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen chỉ là giả thuyết!
Tại các phiên họp trước đó cũng như buổi họp báo “trái phép” tổ chức ngày 4/8, Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng đã liên tục khẳng mục tiêu đưa ĐH Hoa Sen hướng đến hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận và bà cho rằng nhóm cổ đông lại muốn siêu lợi nhuận. Do đó, đã xảy ra nhiều bất đồng quan điểm và tranh chấp trong nội bộ ĐH Hoa Sen.
Trước tình hình này, nhóm cổ đông đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định mình không tham tiền và bà Bùi Trân Phượng đặt điều, xúc phạm nhóm cổ đông. Cụ thể, tại Hội nghị “Nhóm cổ đông - Chiến lược vì sinh viên và cộng đồng” tổ chức trong ngày 10/9 vừa qua, nhiều vấn đề liên quan đến hướng phi lợi nhuận và những “dây mơ rễ má” xung quanh đã được các cổ đông đem ra mổ xẻ.
Đầu tiên, có cá nhân chất vấn nhóm cổ đông về việc bà Bùi Trân Phượng đã nhiều lần thông tin rằng, vì trường ĐH Hoa Sen hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận nên mới được vay vốn kích cầu từ Nhà nước để xây dựng cơ sở Nguyễn Văn Tráng, sự thật của vấn đề này là thế nào?
Trước câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Hòa, một cổ đông tại ĐH Hoa Sen cho biết: “Hiện nay các trường ngoài công lập đều được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường nói chung chứ không riêng gì trường phi lợi nhuận. Chương trình kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất vay cho ngành giáo dục được áp dụng cho các trường từ mầm non tới đại học, bao gồm trường tư. Ở TP.HCM, rất nhiều trường khác nhau, từ tư nhân, tư thục nhận được hỗ trợ này, cho nên việc ĐH Hoa Sen được hỗ trợ vay vốn kích cầu không liên quan gì đến cơ chế phi lợi nhuận hay lợi nhuận”.
Bên cạnh đó, nhóm cổ đông ĐH Hoa Sen còn khẳng định quan điểm phi lợi nhuận của bà Phượng từ trước đến nay vẫn chỉ là giả thuyết, tại Việt Nam chưa hề có một trường đại học nào hoạt động theo hướng phi lợi nhuận. Và trước câu hỏi, nếu HĐQT mới (được bầu tại đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 2/8) được công nhận thì ĐH Hoa Sen sẽ hoạt động theo hướng lợi nhuận hay phi lợi nhuận?
Ông Nguyễn Đệ, cổ đông ĐH Hoa Sen cho biết: “Giá trị tài sản của trường Hoa Sen vào năm 2007 trước đây chỉ có 15 tỉ đồng, nhưng chỉ sau 7 năm, hiện giá trị tài sản của ĐH Hoa Sen đã tăng lên đến 91 tỉ đồng. Và trong năm 2013, chính Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng đã biểu quyết thông qua mức cổ tức là 20% thì ai cũng có thể hiểu ĐH Hoa Sen hoạt động phi lợi nhuận hay không!”.
ĐH Hoa Sen sẽ trở thành “Đại học quốc tế của người Việt”?
Tại hội nghị, nhóm cổ đông đã trình bày cụ thể quan điểm đưa ĐH Hoa Sen trở thành “Đại học quốc tế của người Việt” với mục tiêu hướng đến vì sinh viên và cộng đồng. Ông Huỳnh Minh Việt, cổ đông ĐH Hoa Sen cho biết, mục tiêu trong tương lai của ĐH Hoa Sen là sẽ tạo lập một môi trường giáo dục hội nhập. Trong đó, tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ chính để giảng dạy và đồng thời, sự tham gia giảng dạy của các giảng viên được đào tạo bài bản từ các nước phát triển, một đội ngũ sư phạm đa dạng từ nhiều quốc gia. Đối với chương trình đào tạo, phải là chương trình đã được kiểm định theo chuẩn quốc tế, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc được ở nhiều nơi trên thế giới và được sự thừa nhận của các nước về chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó là môi trường hội nhập theo chuẩn mực quốc tế cho sinh viên học hỏi và trải nghiệm. Và điều quan trọng hơn hết, trường theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng là của người Việt, do người Việt xây dựng.
Sau quá nhiều “lùm xùm” liên quan đến ĐH Hoa Sen, nhiều người mất niềm tin vào tính minh bạch, công khai tại trường và lo lắng rằng, nếu HĐQT mới được công nhận thì ngôi trường này có tốt hơn và hoàn thiện hơn không?.
Trước những cổ đông cùng một số giảng viên tại ĐH Hoa Sen có mặt tại hội nghị, PGS.TS. Lưu Tiến Hiệp đã khẳng định: “Nếu HĐQT mới được công nhận, tôi chắn chắn rằng ĐH Hoa Sen sẽ có nhiều thay đổi. Đầu tiên, HĐQT sẽ làm việc vì cái tâm, bởi cái tâm trong người làm giáo dục là yếu tố quan trọng nhất. Không thể làm việc kiểu có sai phạm thì lại tìm cái khác để bịt lại, sau đó lại xuất hiện thêm những lỗ hổng sai phạm khác và cứ như thế, sai phạm chồng chất sai phạm. Tôi đã làm giáo dục được 40 năm và tôi nghĩ rằng trong tương lai sẽ còn có nhiều quy định mới khác để mọi người theo đó thực hiện một cách công khai, minh bạch nhất tại ĐH Hoa Sen”.
Thi Trần