Hiện nay, các trường THPT trên toàn thành phố Đà Nẵng đang triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng dạy học, trong đó chú trọng điều chỉnh nội dung, phương pháp theo hướng phân hóa đối tượng để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vào tháng 7. Trước đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh (HS) cũng được triển khai ngay từ đầu năm học.
 
 
Ôn tập kỹ
 
Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu) bắt đầu ôn thi ngay từ đầu năm học cho học sinh sau khi giúp các em nắm được những nét mới trong công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. “Với 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ, chúng tôi tổ chức ôn thi cho HS mỗi tuần 4 tiết/môn và học trái buổi. Các lớp học ôn được chia thành 3 mức độ, căn cứ trên khảo sát chất lượng đầu năm của HS. Danh sách của các lớp học phụ đạo sẽ không ổn định mà cứ sau mỗi đợt học khoảng 1,5 tháng, nhà trường tổ chức kiểm tra đánh giá để điều chỉnh lớp cho phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS”, cô Lê Thị Tuyết Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
 
Đề cương ôn tập của từng môn học cùng với hệ thống câu hỏi, bài tập đi kèm sẽ được tổ bộ môn xây dựng ở 3 mức độ khác nhau phù hợp với mức độ, khả năng tiếp nhận của HS. Việc dạy kỹ, nhiều lần sẽ giúp HS nắm vững kiến thức, tự tin bước vào kỳ thi.
 
Chuẩn bị kỹ càng cả về mặt tâm lý, kiến thức sẽ giúp các em có được kết quả tốt hơn kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Theo cô Hồng, điều quan trọng nhất là các giáo viên phải hình thành được động cơ học tập cho HS.
 
Trong khi đó, thầy Nguyễn Thành Lễ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu) nhận xét, kết quả thi THPT quốc gia năm trước là dữ liệu đáng tin cậy để Hội đồng sư phạm nhà trường đánh giá, định hướng cũng như điều chỉnh phương pháp dạy học.
 
Nhà trường đã triển khai tổ chức phụ đạo 3 môn Toán, Văn, Anh văn từ đầu năm học theo hướng bám sát. Hết học kỳ 1, nhà trường kiểm tra chất lượng toàn diện khối 12, trên cơ sở đó định hướng, tư vấn cho HS chọn môn thi, khối thi.
 
Việc tư vấn do giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm đảm nhận trên cơ sở phân tích năng lực học tập và nguyện vọng của HS. “Từ giai đoạn này trở đi, nhà trường sẽ tăng cường tổ chức bồi dưỡng thêm cho những HS có học lực trung bình - yếu, giúp củng cố, hệ thống lại kiến thức cho HS để các em nắm được những kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi”, thầy Lễ cho biết.
 
Tư vấn cho phụ huynh
 
Ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng đều tổ chức họp riêng phụ huynh khối 12 để phổ biến kỹ những đổi mới quy chế thi THPT quốc gia cũng như quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.
 
Trường THPT Nguyễn Trãi tổ chức quán triệt cho giáo viên các thông tư có liên quan của Bộ GD&ĐT để có thể giải thích cặn kẽ với phụ huynh những vấn đề liên quan đến kỳ thi, đặc biệt là những điểm mới, phân tích cho phụ huynh về những thuận lợi trong đổi mới tuyển sinh. Hiệu trưởng các trường THPT cho biết, rất nhiều phụ huynh vẫn còn thắc mắc về phương thức xét tuyển của các trường ĐH, CĐ, nhất là việc rút, nộp hồ sơ cũng như điều chỉnh nguyện vọng.
 
Để giúp phụ huynh có đầy đủ thông tin và thông tin đủ sức thuyết phục, một số trường chọn cách phân tích những tình huống cụ thể trên những câu chuyện mà chính phụ huynh đưa ra làm dẫn chứng. “Ngay từ đầu năm học, ngoài phổ biến kỹ quy chế thi cho HS khối 12, lấy dẫn chứng từ các trường hợp vi phạm quy chế thi bị xử lý tại cụm thi Đà Nẵng, nhà trường cũng phân tích kết quả thi cho các em biết”, cô Tuyết Hồng chia sẻ cách làm của Trường THPT Nguyễn Hiền. Việc làm này của nhà trường giúp cho các em có một tâm thế và động cơ học tập đúng
 
Theo Báo Đà Nẵng
.