Hôm nay (30/6), hơn 1 triệu thí sinh (TS) trên toàn quốc sẽ đến điểm thi, cụm thi để làm thủ tục dự thi, chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia (từ ngày 1-4/7).
 
 
Làm 50% nội dung câu hỏi cơ bản là tốt nghiệp
 
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Bộ GD-ĐT), đề thi THPT Quốc gia năm 2015 được xây dựng theo hướng đổi mới của Bộ GD-ĐT nhằm phát huy năng lực của người học, bước đầu tác động trở lại quá trình dạy học ở trường phổ thông nhưng vẫn đảm bảo sẽ không gây sốc cho TS. Cụ thể, đề thi sẽ có khoảng 60% câu hỏi nằm trong phạm vi kiến thức, kỹ năng cơ bản để xét công nhận tốt nghiệp, 40% câu hỏi mang tính phân hóa cao để lựa chọn những TS có năng lực vào ĐH, CĐ. Và TS chỉ cần làm được 50% trong phần câu hỏi cơ bản là đạt yêu cầu tốt nghiệp. Ngoài ra, các em còn được cộng điểm quá trình học để xét tốt nghiệp THPT.
 
Trước những lo lắng có thể xảy ra việc chấm thi không công bằng giữa các điểm thi, ông Trinh khẳng định, giáo viên chấm thi là những người đạt chuẩn được sàng lọc kỹ càng. Thêm vào đó, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn chấm chi tiết và có khung điểm chấm cụ thể nên không thể chấm lệch nhau ở các điểm thi. Quy trình chấm thi tuân thủ hai vòng chấm độc lập, chấm thanh tra 5% số bài thi ngẫu nhiên và chấm thẩm định nếu có dấu hiệu bất thường.
 
Các cụm thi đã sẵn sàng
 
Hà Nội là một trong hai địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước trong kỳ thi chung Quốc gia (khoảng 120.000 thí sinh).
 
Tại Hà Nội có 8 cụm thi do các trường đại học trên địa bàn chủ trì và 1 cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì.
 
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay lượng thí sinh thi tại các địa phương tăng cao nên chỉ có khoảng 34.945 thí sinh đổ về Thủ đô, giảm đáng kể so với mọi năm. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đã có các phương án đảm bảo an toàn giao thông, tiếp sức mùa thi, chuẩn bị xe tuyến, xe buýt đưa đón thí sinh từ sớm. Như vậy, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia đã sẵn sàng.
 
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Bình - Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết, Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch bảo vệ kỳ thi an toàn trên địa bàn thành phố, đặc biệt là chống gian lận trước trong và sau thi.
 
Theo đó, Công an Hà Nội đã tổ chức nắm tình hình, phối hợp với các lực lượng bảo vệ đề thi, bảo vệ các hội đồng thi để không xảy ra các hiện tượng vi phạm quy chế như tụ tập đông người sát khu vực thi, lấy đề thi ra, đưa bài vào phòng thi, đe dọa hành hung giáo viên, cưỡng đoạt tài sản, phòng chống cháy nổ và các tệ nạn xã hội khác. Đồng thời, phát hiện và kiến nghị đưa ra khỏi hội đồng thi các cán bộ không đủ năng lực theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT.
 
Công an Hà Nội đã giao lực lượng A83 rà soát phối hợp với các cụm thi kiểm tra hồ sơ đăng ký nhằm phát hiện những biểu hiện nghi vấn làm giả hồ sơ với mục đích thi kèm, thi hộ, làm giấy chứng nhận ưu tiên để cộng điểm.
 
Hà Nội cũng cử cán bộ tham gia các đoàn Thanh tra của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đểkiểm tra từ khâu ra đề thi đến, in sao đề thi đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra kỳ thi và chấm thi.
 
Tại TP.HCM, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn thành, đảm bảo an toàn, nghiêm túc trong suốt kỳ thi.
 
ThS. Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết, kỳ thi năm nay trường có trên 1.300 cán bộ sẽ tham gia coi thi tại 420 phòng thi. Trường cũng phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT Tây Ninh cùng thực hiện giám sát công tác thi, thành lập đoàn giám sát lưu động để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn.
 
“Mọi năm các trường phải xuống trường phổ thông ký hợp đồng thuê địa điểm, nhưng năm nay trường ĐH bắt tay cùng với Sở GD-ĐT thực hiện nên cũng dễ dàng hơn. Sự phối hợp giữa các trường ĐH và trường phổ thông rất tốt từ việc điều động giáo viên phổ thông và sinh viên coi thi, tính toán số lượng giáo viên chấm thi”, ông Sơn nói.
 
Tương tự, tại cụm thi của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đơn vị này đã huy động 2.052 giám thị làm công tác coi thi, 450 giáo viên chấm thi. ĐHQG TP.HCM cũng điều động 2.600 cán bộ trực tiếp coi thi; 400 người phục vụ gián tiếp tại các ban…Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng cụm thi ĐHQG TP HCM cho biết cụm thi rất chú trọng việc sắp xếp phòng thi cho TS, hạn chế tối đa việc TS phải di chuyển từ điểm thi này tới điểm thi khác. Những môn ít TS phải chấp nhận ghép phòng thi nhưng chỉ ghép nếu môn thi có ít hơn 10 TS trong 1 phòng và phòng thi ghép phải ở trong cùng điểm thi.
 
Cũng theo ông Nghĩa, có một số môn ngoại ngữ như tiếng Đức, tiếng Nhật chỉ có vài TS dự thi. Để tránh nhầm lẫn đề thi, các TS này vẫn được bố trí thành phòng thi riêng biệt theo từng môn.
 
Theo Dân Việt
.