Chiều 29/8/2023, tại TP Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo “Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc”.

Đoàn Chủ trì tham dự Hội thảo có: Đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông; PGS,TS. Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS. Đỗ Quang Dũng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.

Tham dự Hội thảo còn có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo đại diện các cơ quan trung ương và Thành phố Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan quản lý xuất bản, thư viện; các tổ chức, hiệp hội xuất bản - in; các học viện, trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành xuất bản, cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội thảo khoa học “Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc”.

Tại buổi Hội thảo, các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn cũng như thực trạng tác động xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam hiện nay.

Phát biểu tại buổi Hội thảo, PGS,TS. Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: Hội thảo khoa học “Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc” là một hoạt động khoa học ý nghĩa. Học viện Báo chí và Tuyên truyền là trường Đảng, trường đại học trọng điểm quốc gia đào tạo lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng  -văn hoá, báo chí, truyền thông, xuất bản... Trong đó, ngành xuất bản, Nhà trường đào tạo ở 3 trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.

leftcenterrightdel
 PGS,TS. Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu chào mừng Hội thảo.

Hội thảo này là dịp để các thầy, cô giáo, học viên, sinh viên nắm bắt thêm thông tin, chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm và giải pháp trong tuyên truyền và đấu tranh với vấn nạn xuất bản giả, xuất bản lậu, góp phần xây dựng nét đẹp trong văn hoá đọc của cộng đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, việc phát hành sách giả, sách lậu ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức từ in truyền thống đến sách điện tử, sách nói… đã tác động xấu đến hoạt động xuất bản và việc tiếp cận tri thức của người dân cũng như mục tiêu phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Việc bạn đọc sử dụng xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đã tiếp tay cho các đối tượng có thị trường tiêu thụ; gây thiệt hại cho lợi ích của cơ quan, tổ chức và cá nhân; tác động xấu đến công tác quản lý, tổ chức, thực thi pháp luật; xâm phạm quyền tác giả…”.

Hội thảo đã nhận được gần 20 tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, NXB và đơn vị làm sách tư nhân. Các tham luận tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Đánh giá tác động của sách giả, sách lậu đối với người sử dụng; Đánh giá những tác động của việc sử dụng sách giả, sách lậu đối với việc chấp hành quy định pháp luật hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc; Đề xuất các giải pháp để tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng sách lậu, sách giả.

Tham luận và chia sẻ tại Hội thảo, TS. Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, vấn nạn sách lậu, sách giả đã ảnh hưởng nặng nề đến tác giả, đến nhà xuất bản và với độc giả. “Người mua sách chưa nhận thức được việc tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu không chỉ phá hệ thống sách bản quyền của các nhà xuất bản, các doanh nghiệp làm sách chính thống, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh tiếng của ngành xuất bản trong nước. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn hóa đọc”, TS. Vũ Thùy Dương chia sẻ.

leftcenterrightdel
 TS. Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham luận với chủ đề: “Một số giải pháp ngăn chặn hành vi xuất bản sách lậu, sách giả tại Việt Nam hiện nay”.

Cũng theo TS. Vũ Thùy Dương, hành vi in ấn, phát hành sách giả, sách lậu xảy ra ở rất nhiều loại hình sách, ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa đọc. Ngoài việc truyền thông thay đổi ý thức của độc giả không dung dưỡng, tiếp tay cho hành vi in ấn, buôn bán sách giả, sách lậu, còn cần xây dựng một quy định đặc thù đối với sách giả, sách lậu, phải coi đó là hành vi sản xuất hàng giả và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này là những giải pháp cơ bản. Trong lúc chờ đợi có những thay đổi mang tính bước ngoặt trong quản lý nhà nước thì mỗi người đọc cần kiên quyết nói không với sách giả, sách lậu.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế của các đơn vị xuất bản, của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc phát hiện, xử lý những cá nhân, đơn vị in sách lậu, sách giả. “Chế tài xử lý hành vi in sách lậu, sách giả vẫn còn nhiều điều bất cập, vì thế, thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát lại hành lang pháp lý, nghiên cứu sửa đổi thêm một số nội dung trong Luật Xuất bản để kịp thời bắt kịp với thực tiễn đặt ra”, Cục trưởng Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản- In và Phát hành phát biểu kết luận Hội thảo.

Theo Cục trưởng Nguyễn Nguyên, công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh hơn nữa. “Chúng tôi đã lập nhóm Zalo các nhà báo hỗ trợ cho các đơn vị xuất bản và tới đây họ không chỉ tuyên truyền sách hay, sách tốt mà cung cấp về sách lậu, sách giả. Hiện nay, một số cơ sở đào tạo luật đã có những quy định bắt buộc sinh viên học sách thật. Tới đây, chúng tôi mong muốn cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng trên toàn quốc có những cam kết để 100% sinh viên học sách thật”, Cục trưởng Nguyễn Nguyên nói.

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Nguyên, việc đẩy lùi nạn sách lậu, sách giả không phải công việc trong ngày một, ngày hai và cũng không phải của một cơ quan nào mà là một quá trình lâu dài, với sự chung tay của toàn xã hội.

 

Thùy Dương- Minh Hiếu