leftcenterrightdel
Cựu binh Phan Văn Hôn và ông Trần Kiến Xương trong cuộc trò chuyện ngoại khóa với cán bộ - giáo viên, học sinh THPT Nguyễn Thị Minh Khai

Những câu chuyện huyền thoại 

Trong cuộc trò chuyện ngoại khóa này, cựu binh Phan Văn Hôn (bí danh Bảy Hôn, nhân chứng sống Biệt động Sài Gòn) kể lại chi tiết trận đánh khốc liệt mà ông cùng những đồng đội của đội 5, Biệt động Sài Gòn đã thực hiện nhắm vào Dinh Độc Lập – một trong những cơ quan đầu não của chính quyền Mỹ - Ngụy Sài Gòn, cách đây đúng nửa thế kỷ. Theo cựu binh Bảy Hôn, ông Trần Văn Lai đứng tên một người Cách Mạng “nằm sâu” trong lòng địch với vai một nhà tư sản, nhà thầu khoán nổi tiếng, từng trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập. Theo chỉ đạo của cấp trên, ông Lai đã mua căn nhà ở số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (nay thuộc phường 5, quận 3, TP.HCM) để cho những kế hoạch dài hạn, đánh địch ngay trong lòng địch. Tại căn nhà này, ông Lai lấy cớ cần đào hố ga làm nhà vệ sinh và đã ròng rã, kiên trì đào căn hầm bí mật.

leftcenterrightdel
Đông đảo học sinh tập trung nghe kể chuyện qua lời kể của nhân chứng lịch sử. 

Quá trình đào hầm của ông Lai chỉ có duy nhất người vợ, là bà Đặng Thị Thiệp biết và phụ giúp. Theo đó, để tránh bị phát hiện, đất sau khi đào được ông Lai bỏ vào thùng carton chuyển lên ô tô chuyển đi nơi khác phi tang. Sau 7 tháng, căn hầm được hoàn thành với kích thước dài hơn 8m, rộng 2m, sâu 2,5m, trát xi măng dày để chống thấm. Ông Bảy Hôn nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với những học sinh hôm nay, chuyện đào hầm ngay trong lòng địch như thế là cực kỳ gian nan, khó khăn nhưng chuyện ông Lai đơn thân, độc mã chuyển lượng lớn vũ khí về cất giấu trong căn hầm đó để phục vụ cho các trận đánh của lực lượng Biệt động Sài Gòn, mới được xem là một chuyện… thần kỳ, khó tin. Với nhiệm vụ được cấp trên giao phó, một mình ông Lai đã đi ô tô di chuyển ra ngoại thành Củ Chi, bí mật chuyển lượng lớn vũ khí về cất giấu trong hầm. 

Ông Bảy Hôn nhớ lại, đúng thời điểm tết Mậu Thân, cách đây nửa thế kỷ, 16 thành viên đội 5 Biệt động Sài Gòn, tế tựu về căn hầm bí mật tại nhà ông Năm Lai. Đội 5 được lệnh tấn công vào Dinh Độc Lập – cơ quan quan trọng của chính quyền Sài Gòn, cùng thời điểm các đội khác cũng tấn công các mục tiêu khác trong nội đô như: Tòa Đại sứ, Đài phát thanh…

Riêng đội 5, có 15 thành viên được giao nhiệm vụ đánh trực tiếp, duy nhất chỉ có ông Năm Lai được bố trí chạy đi chạy lại, dẫn đường, tiếp tế vũ khí cho đồng đội. Trận đánh vào Dinh Độc Lập năm ấy cùng hàng loạt mục tiêu đầu não đã làm chính quyền Sài Gòn choáng váng, nước Mỹ rung chuyển… Kết cục phần lớn những con người quả cảm của đội 5 đánh vào Dinh Độc Lập đã anh dũng hi sinh, số còn lại bị thương, bị bắt. Riêng ông Năm Lai thoát được, sau này giả điên để tránh sa lưới vào tay địch…. Sau trận đánh rung động đó, chính quyền Mỹ - Ngụy điên cuồng lùng soát. Một cánh quân theo dấu vết tìm đến tận căn nhà mà đội 5 trú ẩn, xuất kích để bắn phá, lục soát… Mãi sau này, căn nhà được giao cho một sỹ quan chế độ Sài Gòn, nhưng trong thời gian dài không hề hay biết tại đây có một hầm bí mật cất giấu vũ khí ngay bên dưới.

Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay 

Chia sẻ với cán bộ, giáo viên, học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tại buổi ngoại khóa, ông Trần Kiến Xương (người con thứ của ông Năm Lai) cho biết, ngày 29/1/2018 vừa qua, thật vinh dự và tự hào khi được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng Đoàn lãnh đạo TP.HCM đã đến thăm gia đình, tại hộp thư bí mật mà cha của ông ngày xưa hoạt động, nay được ông tôn tạo nguyên hiện trạng xưa. Tại đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã bày tỏ sự cảm phục, trân trọng và ghi nhận đối với những đóng góp công lao to lớn của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn nói chung và gia đình Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Trần Văn Lai nói riêng.

leftcenterrightdel
Trao tặng cho Ban giám hiệu THPT Nguyễn Thị Minh Khai bản sao “bút ký” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 

Đặc biệt, ngày 31/1 vừa qua, sau khi dự lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và tặng bút ký cho Di tích lịch sử quốc gia – Hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công Dinh Độc Lập của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai. Tổng Bí thư rất cảm kích, nâng niu trân trọng những hiện vật được trưng bày, trong số đó có chiếc xe De-Sơ-Vô mang biển số NOE.345 do Anh hùng Biệt động Trần Văn Lai khi xưa sử dụng làm phương tiện vận chuyển vũ khí và chở đồng đội vào trận đánh Dinh Độc Lập.

Ông Xương nhấn mạnh tại cuộc trò chuyện với học sinh – thế hệ trẻ hôm nay rằng, đã 50 năm qua còn nhiều đồng chí, đồng đội trong lực lượng biệt động đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, mà đến nay họ còn đang nằm sâu dưới lòng đất, chưa thể tìm được. Mong rằng, thế hệ trẻ sau này luôn ghi nhớ công ơn của các bậc cha anh đã âm thầm, dũng cảm hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của nước nhà để có được một Việt Nam đang trên đà phát triển trên tầm vóc quốc tế hôm nay; mong các em cần phải rèn đức, tạo tài để chung tay góp sức đưa đất nước tiến lên tầm cao mới. Đồng thời, ông Xương cũng có lời mời tập thể cán bộ – giáo viên và học sinh nhà trường, có dịp đến thăm Di tích Lịch sử quốc gia – Hầm chứa vũ khí phục vụ tấn công Dinh Độc Lập để những thế hệ hôm nay có thêm hoài bão, lòng yêu nước sâu sắc, tiếp tục rèn luyện, phấn đấu làm con ngoan, trò giỏi, trở thành người có ích cho xã hội, phụng sự nước nhà.

Nhân dịp này, ông Trần Kiến Xương và ông Phan Văn Hôn trao tặng Ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai bản sao “bút ký” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu lại khi đến thăm Di tích lịch sử quốc gia “Hầm vũ khí tấn công Dinh Độc Lập” dịp mới đây.

Trân Định - Phi Sơn