leftcenterrightdel
Các trường ngoài công lập sẽ được phép tuyển sinh ngay sau khi kết thúc năm học 2017-2018 và thời gian tuyển sinh sẽ kéo dài 1,5 tháng. Ảnh: L.S 

Theo đó, Hà Nội tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học 2017-2018, đảm bảo kết thúc năm học vào ngày 25/5 theo đúng quy định. Ngay sau đó, các trường ngoài công lập sẽ bắt đầu được tuyển sinh, cụ thể là bắt đầu từ ngày 26/5 đến ngày 12/7. Danh sách trúng tuyển sẽ được các trường cập nhật vào phần mềm sổ điểm điện tử chậm nhất ngày 23/7. 

Trước đó, nhiều trường tư thục lên tiếng phản đối quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc bắt buộc các trường tư thục trên địa bàn chỉ được tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 cùng thời gian với các trường công lập và chỉ diễn ra trong vài ngày (từ ngày 7/7 đến hết ngày 9/7 tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến, từ ngày 13/7 đến hết ngày 18/7 tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp).

Thời gian tuyển sinh của các trường ngoài công lập ngắn được xem là khiến cha mẹ học sinh khó khăn trong việc ra quyết định chọn trường ngoài công lập cũng như khiến các trường khó tự chủ trong tuyển sinh.

Ngày 8/5, Bộ GD-ĐT có công văn số 1822 gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GD-ĐT Hà Nội thực hiện đúng chủ trương của Bộ về tuyển sinh đầu cấp. Công văn nêu rõ Bộ GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GD-ĐT Hà Nội thực hiện đúng chủ trương của Bộ, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập được tự chủ về tuyển sinh, phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của nhà trường.

Như vậy là công văn của Sở GD-ĐT Hà Nội tháo gỡ nút thắt “tự chủ” cho nhiều trường ngoài công lập.

Cùng với quy định về thời gian tuyển sinh với các trường ngoài công lập, Sở GD-ĐT Hà Nội hướng dẫn phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện công tác tuyển sinh. Các trường mầm non ngoài công lập thực hiện nghiêm việc huy động trẻ em lứa tuổi mầm non đến trường và các nhiệm vụ khác theo Điều lệ trường mầm non.

Các trường tiểu học ngoài công lập tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1, không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học. Khuyến khích các trường ngoài công lập sử dụng phầm mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến.

Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo, tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở giáo dục thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Tuy vậy, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh phải đảm bảo không gây áp lực thi cử cho học sinh, không tạo việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Chọn thời điểm kiểm tra, đánh giá năng lực trong thời gian tuyển sinh phải đảm bảo giúp học sinh và cha mẹ học sinh có đủ thời gian tìm hiểu kỹ, thấu đáo thông tin hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục, tạo điều kiện để học sinh và cha mẹ chọn cơ sở giáo 
dục dự tuyển được phù hợp chính xác.

Thực hiện đầy đủ, chính xác, đúng quy chế các khâu trong công tác kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh từ ra đề, thành lập Hội đồng coi kiểm tra đến phúc khảo bài kiểm tra…

Một số yêu cầu khác trong hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường ngoài công lập của Sở GD-ĐT Hà Nội còn bao gồm yêu cầu công tác tuyển sinh phải đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh, thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục trên địa bàn.

Với các học sinh khuyết tật có nhu cầu vào học ở các trường ngoài công lập,  Sở cũng yêu cầu tổ chức giáo dục hòa nhập cho các em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật theo đúng quy định. Thực hiện tốt các quy định về đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh.

Các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng cần thực hiện nhiệm vụ cấp mã học sinh trong sổ điểm điện tử cho cha mẹ học sinh theo quy định; đảm bảo quyền lợi của học sinh khi học sinh có nguyện vọng được tham gia tuyển sinh theo đúng tuyến. Tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh được rút hồ sơ tuyển sinh khi có nhu cầu.

Lê Sơn/Báo tin tức