Trong rất nhiều những vụ học sinh đánh nhau, có nguyên nhân từ sự ghen tuông của tình cảm học trò. Dư thừa năng lượng, nông nổi bồng bột thuở mới lớn, thiếu định hướng, thiếu hiểu biết pháp luật… đã khiến cho các cô câu học trò mất kiểm soát hành vi khi ứng xử với chuyện tình cảm.
Cảnh báo tình trạng “trẻ hóa” hoạn thư
Đầu năm 2016, đoạn video clip nữ sinh cấp 2 đánh nhau hội đồng tại TP Huế đã được lan truyền nhanh trên các trang mạng xã hội. Vụ việc được xác nhận là xảy ra tại trường THCS Trần Phú (đường Hàm Nghi, phường Phước Vĩnh, TP Huế). Cô Trương Thị Thái Hằng – Hiệu trưởng trường THCS Trần Phú xác nhận: “Đoạn video đang lan truyền trên mạng có nội dung ghi nhận việc các học sinh đánh nhau xảy ra trong khuôn viên trường vào ngày 28-12-2015, thời điểm vừa kết thúc thi học kỳ I. Lúc này, không cán bộ nhân viên nào của nhà trường phát hiện sự việc nên không có sự can thiệp kịp thời. Chỉ đến khi có một số em học sinh chạy đến báo cho Ban giám hiệu thì mới biết và ngăn chặn. Vì thế, nhà trường cho rằng đây là sự việc hết sức đáng tiếc. Theo tìm hiểu sơ bộ, nguyên nhân xảy ra vụ việc là do các em mâu thuẫn trong chuyện tình cảm yêu đương".
Thấy sự việc phức tạp, ngày 11-1, nhà trường đã họp hội đồng kỷ luật và sẽ có biện pháp xử lý kịp thời. Cô Hằng cho biết thêm, nữ sinh bị đánh tên là Nguyễn Thị H.H (học lớp 7/1). Các nữ học sinh đánh em H và những học học sinh đứng ngoài cổ vũ, la hét đều là học sinh lớp 7 của nhà trường. Ban giám hiệu đã mời các em tham gia đánh bạn, phụ huynh của các em đến tham dự buổi họp kỷ luật. Đây chỉ là một trong rất nhiều các vụ việc đánh ghen xảy ra khi các em mới chỉ bước vào lứa tuổi học sinh cấp 2.
Tâm lý các em ngày càng phức tạp, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, độ tuổi dậy thì của học sinh ngày càng sớm hơn, đồng nghĩa với đó các em có những biến đổi tình cảm: Rung động, yêu đương sớm hơn trước kia. Học trò yêu sớm đòi hỏi các trường phải thay đổi phương pháp giáo dục giới tính, không thể né tránh hoặc dạy cho vui như hiện nay, nhưng thực tế là việc này chưa thực hiệu quả, khi các trang mạng xã hội cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện clip đánh ghen của học sinh, tuổi của các em mới đang học lớp 7, lớp 8.
Những ngày qua, sự việc một nữ sinh chặn, đập nát kính của một chiếc xe ô tô sang ở Hà Nội khiến rất nhiều người quan tâm. Thay vì đánh ghen cho chuyện tình cảm của mình, nữ sinh này lại đánh ghen vì quá bức xúc với nhân tình của bố.
Vào khoảng 20g tối 17-2, một số người dân khi đi qua đoạn ngã 5 An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội (đoạn đối diện khách sạn Sofitel) thì chứng kiến một cô gái trẻ chặn đầu xe ô tô Mercedes do một cô gái khác cầm lái.
Khi đến đoạn đường trên, cô gái trẻ cầm gạch đập liên tiếp vào kính xe khiến người điều khiển xe hoảng loạn. Chứng kiến sự việc, một số cán bộ chiến sĩ CSGT số 2 và lực lượng CA phường đã nhanh chóng có mặt giải quyết vụ việc.
Liên quan đến sự việc trên, một lãnh đạo đội CSGT số 2 (TP Hà Nội) cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định là do đánh ghen. Tất cả các đối tượng liên quan đến vụ việc đều đã được đưa về CA phường Yên Phụ giải quyết. Chỉ vì quá bức xúc với người tình của bố mà cô gái trẻ liều mình đánh ghen khi người phụ nữ đang cầm lái ô tô, rất may, không có tai nạn nghiêm trọng xảy ra.
Gia đình vốn là nền tảng để giáo dục các em. Những ảnh hưởng từ cuộc sống gia đình rất quan trọng. Nhưng đáng tiếc, có rất nhiều bậc phụ huynh đã chọn cách sống chưa mẫu mực, thiếu quan tâm đến người thân, điều này gây tác động xấu đến tâm sinh lý của các em.
|
Dù mới chỉ ở lứa tuổi học sinh cấp 2 cũng có những màn đánh ghen khiến người lớn giật mình. |
Những hậu quả nghiêm trọng từ sự nông nổi
Năm 2013, cái chết của cô nữ sinh Đào Thị Linh (SN 1999, học lớp 9 trường Cẩm Vũ, tỉnh Hải Dương) vì lí do đánh ghen đã cho thấy những diễn biến phức tạp trong đời sống và tình cảm của giới trẻ hiện nay.
Sự việc bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa Đào Thị Linh và cô bạn cùng lớp Vũ Thị Dịu. Theo như bạn bè của 2 nữ sinh này thì trước đó 2 em cãi nhau vì cùng yêu 1 người con trai. Chính vì sự ghen tuông cùng với tính hiếu thắng của tuổi học trò đã khiến các nữ sinh có cuộc hẹn ngoài đường để “làm rõ trắng đen”.
|
|
Tuy nhiên, lường trước được sự việc này, Dịu đã gọi cho Bùi Thị Thu Hoài (SN 1997, trú tại xã Cẩm Định, huyện Cẩm Giàng), một đàn chị hơn tuổi, có tiếng là “đầu gấu” đến để ứng chiến.
Hoài là nhân vật đi đánh ghen hộ nhưng đã xông vào tát và rút guốc cao hơn 10cm bổ liên tiếp vào lưng Linh khiến cô bé gục xuống bất tỉnh. Thấy Linh bất động, Hoài cùng một số người khác đưa Linh đến BVĐK huyện Cẩm Giàng, rồi chuyển lên BVĐK tỉnh Hải Dương cấp cứu. Nhưng nạn nhân đã tử vong.
Hiện nay, học trò đánh ghen hết sức “bạo tay”. Không chỉ xé quần, xé áo, các em còn dùng hung khí để đánh ghen. Đáng lưu ý có trường hợp nữ sinh đổ cả nước sôi vào người khác vì ghen tuông.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh - GĐ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng, tình cảm ở lứa tuổi học trò xuất phát từ sự bồng bột, nhất thời… Tình cảm dễ đến, dễ đi song đủ sức dày vò, ảnh hưởng đến cuộc đời, tương lai người trong cuộc nếu không nhận được định hướng đúng.
Những vụ việc đánh ghen dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và đau lòng trên rõ ràng là thiếu sự định hướng. Từ phía gia đình, bố mẹ bị động trước tình yêu của con, thường phản ứng khá cứng nhắc là cấm đoán khi biết con yêu sớm. Hoặc chính bố mẹ là người sống không gương mẫu, như người đàn ông cặp kè với nhân tình khiến con gái phải chặn xe đánh ghen hộ mẹ nêu trên. Đa số các vụ đánh ghen tuổi học trò, cả nạn nhân và người đi đánh ghen đều thiếu hiểu biết, nghĩ là “ra oai”, chứ không nghĩ có liên quan đến tính mạng con người.
Giáo dục giới tính và sự gần gũi của thầy cô giáo đối với các em đang ở độ tuổi dậy thì cũng có những khoảng trống nhất định. Ứng xử với các em, định hướng cho các em dường như vẫn có sự ngại ngùng trong môi trường giáo dục. Khoảng trống và sự ngại ngùng đó khiến học sinh có xu hướng tự giải quyết, rất nông nổi và thiếu kiểm soát.
Trước đây, chúng ta không thể nghĩ rằng, học sinh lớp 5 đã viết thư tỏ tình, học sinh lớp 7 đã đạp bạn ngã lăn xuống đất chỉ vì ghen. Học sinh, ở lứa tuổi dậy thì rất khó để hiểu tình yêu chân thật là gì? Nên ghen tuông khi tình yêu còn quá non nớt là hiện tượng thường xảy ra. Nếu gia đình, nhà trường thiếu quan tâm, thì sẽ còn nhiều vụ học trò đánh ghen khiến chúng ta phải “rùng mình”.
Theo PL&XH