Như Bảo vệ pháp luật đã thông tin về vụ việc này xảy ra tại trường Tiểu học Quang Trung, Hải Phòng. Theo quy định của trường, 13h30 HS có mặt nhưng do công việc nên mẹ HS đã đưa con đến trường sớm 15' và dặn con vào gốc cây ngồi, đợi khi các bạn dậy thì vào. Sau đó, mẹ HS này đi nhưng cảm thấy không yên tâm nên quay lại thì sững sờ khi thấy con bị đứng ngoài cổng trường với lý do các chị Sao đỏ không cho đứng trong sân trường.

leftcenterrightdel
 HS đi học sớm không vào được lớp phải đứng dưới trời nắng gây bức xúc. 

Ngay khi sự việc được đưa lên mạng xã hội, dư luận xã hội tỏ thái độ bức xúc, phẫn nộ. Chiều 21/5, tại cuộc họp của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng về vụ việc này. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng, đây là trường hợp đáng tiếc xảy ra trong ngành giáo dục. Với cô giáo chủ nhiệm, trong việc phê bình học sinh đã hơi nóng vội, dẫn đến việc các cháu nhỏ tuổi sợ hãi.

Nhà trường dù cầu thị và nghiêm túc rút kinh nghiệm nhưng thực tế chưa quan tâm để xử lý các trường hợp đặc biệt này. Chủ tịch UBND TPyêu cầu UBND quận Ngô Quyền rà soát, xem xét trách nhiệm của cô giáo chủ nhiệm, của hiệu trưởng nhà trường theo quy định, đề xuất hình thức xử lý, báo cáo UBND TP.

Ông Lê Quốc Tiến - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, trong trường hợp này, cô giáo chủ nhiệm cần trao đổi với phụ huynh để nắm được hoàn cảnh của cháu; không được phê bình HS bởi đây là lứa tuổi còn nhỏ, rất dễ tổn thương tinh thần. Ông Tiến yêu cầu cô chủ nhiệm rút kinh nghiệm sâu sắc, đề nghị trường có phòng riêng cho HS đến sớm và bố trí nhân lực hỗ trợ những em này.

Bà Đào Thị Cẩm Ly - Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung cho biết, nhà trường cũng đã liên hệ, trao đổi với phụ huynh để nắm rõ sự tình và xin lỗi. Hiện gia đình HS này không có ý kiến nữa. Theo bà Ly, sự việc xảy ra là do cô chủ nhiệm lớp 1A1 quá cứng nhắc. Nhà trường yêu cầu GV này nghiêm túc kiểm điểm.

Bà Ly khẳng định, trường học luôn mở cửa với tất cả các HS và yêu cầu cô chủ nhiệm lớp 1A1 không được chụp ảnh, phê bình các HS đi học sớm.

Đừng để học trò cũng vô cảm

 Trả lời Báo Bảo vệ pháp luật về vụ việc này, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, HS đến sớm là chuyện bình thường, không nhất nhất phải đến đúng giờ. HS đến sớm có thể vì nhiều lý do như tránh tắc đường, chăm chỉ, cha mẹ có việc bận…

Vì vậy, GV phải tìm hiểu, giáo dục chứ không phải HS đến không đúng giờ là để HS phải đứng ngoài cổng trường, dưới thời tiết nắng như đổ lửa, nhỡ đau ốm thì như thế nào?. Đáng ra, khi thấy HS như vậy, GV ra đưa HS vào chỗ này chỗ kia râm mát, dặn HS không chạy lung tung hay làm ồn là được.

leftcenterrightdel
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cô giáo rất dửng dưng, vô cảm. 

“Tất cả vì HS thân yêu”, là GV, phải thương yêu HS như con của mình nhưng ở đây, cách ứng xử của GV là không đúng, thể hiện sự dửng dưng, vô cảm, không có lòng thương với HS, không biết được hoàn cảnh gia đình của HS do mình quản lý. “Vì hoàn cảnh gia đình không có tiền cho con ở bán trú. Vậy nên, nhà trường cần chuẩn bị khu vực để cho những em đến trước thời gian học” - nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay.

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nếu đây là lần đầu GV phạm lỗi như vậy thì nhà trường cần kiểm điểm và góp ý để GV có cách ứng xử với HS phù hợp hơn. Và cũng mong rằng từ vụ việc trên, các GV đừng để chuyện này tiếp diễn. Trường học là nơi mang lại hạnh phúc cho HS, niềm vui cho cả thầy và trò. GV cần trân trọng, giúp đỡ HS, nhất là những em mầm non, tiểu học.

Thiết nghĩ, để những người Việt nói chung và những người trong ngành Giáo dục nói riêng không để sự vô cảm đi đến tận đáy thì cần rất nhiều sự thay đổi trong nhận thức và hành động. Bởi, GV vô cảm thì tất sẽ có nhiều thế hệ học trò cũng sống vô cảm, thiếu hoài bão.


Lưu Ly