Nhiều điểm mới trong đánh giá học sinh tiểu học sẽ được áp dụng ngay trong năm học mới 2014-2015 thay thế cho cách đánh giá bằng điểm số các môn học.

 


Bộ GD-ĐT yêu cầu việc đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Mục đích của việc đánh giá này nhằm giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định đúng những ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi học sinh để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học.

Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, việc không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên học sinh. Theo đó, hàng tháng, giáo viên ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn học, hoạt động giáo dục khác; dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời đối với những học sinh chưa hoàn thành nội dung học tập môn học, hoạt động giáo dục khác  trong tháng. Khi nhận xét, giáo viên cần đặc biệt quan tâm động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp học sinh tự tin vươn lên;

Đặc biệt việc nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh với yêu cầu đảm bảo tính khách quan của kết quả đánh giá chất lượng học sinh cuối năm học hoặc cuối cấp học. Đối với học sinh khối lớp 5, hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kì cuối năm học chung cho cả khối; tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường THCS sẽ nhận học sinh lớp 5 vào học lớp 6. Tuy nhiên, để linh hoạt, Bộ cũng đề ra tình huống nếu có ý kiến chưa thống nhất thì hiệu trưởng xem xét, quyết định và báo cáo phòng giáo dục và đào tạo biết để theo dõi, chỉ đạo.  
 

Theo ANTĐ

.