Sự đổi mới ở cấp Tiểu học cần thực hiện nghiêm túc ở từng trường học, sự tận tụy của giáo viên và quan tâm của các phụ huynh đối với học sinh.

 


Các địa phương cần thực hiện nghiêm không khảo sát đầu cấp học

Sau khi ban hành Thông tư số 30/2014/TT- BGDĐT với yêu cầu không chấm điểm hàng ngày đối với học sinh, Bộ GD-ĐT lại tiếp tục ban hành Chỉ thị 5105 về chấn chỉnh dạy thêm- học thêm ở bậc Tiểu học, trong đó có quy định không ra bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày. Đây là việc làm đúng đắn nhằm giảm áp lực, căng thẳng trong việc học tập cho học sinh Tiểu học.

Thực tế trong thời gian qua, ở một số trường vẫn tổ chức thi tuyển học sinh đầu cấp THCS nên phụ huynh có con học cấp Tiểu học vẫn phải chạy đua với việc cho con đi học thêm để đỗ vào đó. Như vậy, việc học tập của học sinh càng trở nên nặng nề, thậm chí gây thêm áp lực cho các em.

Theo chỉ đạo từ phía Bộ GD-ĐT, đối với học sinh lớp 5, trong quá trình ra đề kiểm tra, tổ chức kiểm tra và chấm bài ở đợt kiểm tra định kì cuối năm có mời giáo viên trường THCS cùng tham gia và nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh nhằm đảm bảo tính khách quan của kết quả đánh giá chất lượng học sinh cuối cấp học. Điều này cũng giúp giáo viên dạy lớp 6 có đủ thông tin cần thiết về quá trình và kết quả học tập, mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh để có kế hoạch, biện pháp giáo dục hiệu quả. Đây chính là việc bàn giao chất lượng học sinh giữa trường Tiểu học với trường THCS (học sinh lớp 5 lên lớp 6) do phòng Giáo dục tổ chức hàng năm.

Chính vì những lý do trên nên không cần thiết phải tổ chức khảo sát đầu năm, không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến, các địa phương thực hiện nghiêm túc việc bỏ thi học sinh giỏi Tiểu học, xóa lớp chọn ở Tiểu học và THCS, không tổ chức khảo sát đầu năm học, không tổ chức thi tuyển sinh học sinh vào lớp 6.

Để giảm áp lực thi tuyển đầu cấp học, phụ huynh cần phải nhận thức rõ năng lực học tập của con mình đến đâu. Không nhất thiết vì “chạy” đua theo phong trào mà ép con học hành nặng nề để thi vào những trường có danh hiệu, tên tuổi. Ngoài ra, phụ huynh cần phải cương quyết với việc học thêm-dạy thêm tràn lan, biến tướng dưới nhiều hình thức./.
 

Theo VOV