Ngành giáo dục đã bước qua năm 2013 với nhiều dấu ấn, trong đó quan trọng nhất là việc ngày 4/11, Trung ương Đảng ra Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Tuy Nghị quyết được ban hành vào cuối năm nhưng ngành đã kịp có nhiều hoạt động khởi đầu cho những đổi thay.
 


Cùng với thi cử, năm 2013, ngành giáo dục còn có hàng loạt những đổi mới trong cách dạy và học như nhân rộng mô hình trường tiểu học mới lên đến trên 1.400 trường, triển khai công nghệ giáo dục môn tiếng Việt lớp một đến 37 tỉnh thành và bắt đầu thí điểm ở lớp hai. Ngành khuyến khích bỏ chấm điểm đối với học sinh lớp một để giảm áp lực học hành cho các em.

Tuy nhiên, 2013 cũng cho thấy nhiều lỗ hổng trong ngành như việc tiếp tục xảy ra tiêu cực trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Giáo dục mầm non tiếp tục báo động đỏ với hàng loạt vụ việc thương tâm.

Nhiều thách thức trong năm 2014

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, trong năm 2014, ba việc ưu tiên lớn nhất của ông là: thứ nhất, phải thiết kế cho xong chương trình, trên cơ sở đó biên soạn sách giáo khoa phổ thông; thứ hai, thay đổi đào tạo của các trường sư phạm và thứ ba, tìm mọi cách nâng cao chất lượng của giáo dục đại học, theo hướng tăng cường kỹ năng mềm, kỹ năng sáng tạo cho học sinh, sinh viên.

Chương trình, sách giáo khoa mới phải lấy sự phát triển phẩm chất, năng lực người học làm trung tâm chứ không phải logic khoa học như trước đây. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại về việc “bình cũ” thì liệu “rượu có mới” khi các chuyên gia viết sách hầu hết vẫn là những giáo sư lâu năm trong ngành. Giáo sư Đinh Quang Báo, một trong những thành viên biên soạn cũng thừa nhận: “Phải thay đổi trong nhận thức của người làm chương trình, của người biên soạn sách giáo khoa thì họ mới có thể xây dựng được nội dung mới. Tuy nhiên, điều đó là rất khó. Hiện đội ngũ các nhà biên soạn sách ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này.”

Thay đổi trong đào tạo của các trường sư phạm càng là bài toán khó khi phải có chương trình, sách giáo khoa mới để đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu mới. Việc quy hoạch các trường sư phạm, quy hoạch nguồn nhân lực sư phạm cũng đang là vấn đề chưa giải quyết được của ngành, khiến cho sinh viên ra trường không có chỗ đứng trên bục giảng, chưa nói đến chất lượng đào tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, Bộ sẽ sắp xếp lại mạng lưới đào tạo sư phạm, có thể đưa trường sư phạm khu vực thành những ‘máy cái'. Các giáo viên đang dạy cũng sẽ được rà soát toàn bộ để có thể tổ chức bồi dưỡng. Những giáo viên không đủ năng lực đứng lớp sẽ xem xét chuyển công tác khác. “Đây là công việc rất bộn bề,” Thứ trưởng Hiển nói.

Việc quan trọng thứ 3 mà Bộ trưởng quyết tâm là nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đây cũng là bài toán không dễ giải khi đánh giá thực trạng của bậc học này năm 2013 của Bộ cho thấy điều kiện cơ sở vật chất và số lượng giảng viên của nhiều trường chưa đáp ứng với quy mô đào tạo. Phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chủ yếu chỉ nhằm truyền thụ kiến thức, chưa phát huy năng lực của sinh viên. Sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều trường vi phạm các quy định hiện hành, gây bức xúc trong xã hội như xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt năng lực, tuyển vượt chỉ tiêu, liên kết đào tạo không phép, chất lượng không đảm bảo nhưng vẫn cấp bằng chính quy…

Có thể thấy những khó khăn thách thức của ngành giáo dục trong năm 2014 là rất lớn. Là lĩnh vực gắn trực tiếp với đời sống người dân, là chủ đề chính trong từng bữa cơm gia đình nên từng bước đi của ngành trong năm mới 2014, năm đầu tiên ngành đưa Nghị quyết của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, sẽ được toàn xã hội dõi theo với nhiều hy vọng./
 

Theo Vietnam+

.