Năm 2015 là năm cuối cùng của Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi nhưng đến thời điểm này, cả nước mới có 18 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập, 45 địa phương còn lại vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu.

 


Thiếu trường lớp cũng là than thở của Phó Giáo đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, bà Nguyễn Thị Tuyết Hà. Hiện tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi của tỉnh mới chỉ đạt trên 50%, tỷ lệ học sinh bán trú là 30%.

“Chúng tôi đã có đề án tham mưu với tỉnh để nâng cao cơ sở vật chất, tỉnh đã phê duyệt nhưng vẫn chưa triển khai được vì không có kinh phí,” bà Hà chia sẻ.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Trước ý kiến của các địa phương nêu ra, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận rằng “thực hiện phổ cập giáo dục mầm non vô cùng khó khăn,” nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn chung hiện nay, rất khó để có thể huy động từ ngân sách Nhà nước.

Cũng theo Thứ trưởng Nghĩa, các sở giáo dục đào tạo nên linh động hơn nữa trong vấn đề kinh phí, kêu gọi sự vào cuộc của hệ thống chính quyền địa phương. Các giải pháp tiết kiệm chi phí như thu gom các điểm trường lẻ khi điều kiện giao thông đã thuận lợi hơn. Chẳng hạn như tại Tuyên Quang đã giảm được khoảng 300 điểm lẻ từ cách làm này.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa để có thêm nguồn kinh phí triển khai dự án, đồng thời kết hợp với nguồn kinh phí từ các chương trình khác như chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới…

Các ví dụ tiêu biểu về việc huy động xã hội hóa có thể kể đến như tỉnh Tuyên Quang huy động được trên 60 tỷ đồng, tỉnh Hậu Giang huy động được 212 tỷ đồng từ các ngân hàng, doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục, trong đó chủ yếu cho trường mầm non.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, ông Lê Hoàng Tươi cho rằng, dù đã huy động xã hội hóa cũng quá khó để đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

“Bộ phải có sơ kết lại Đề án để phân bổ nguồn ngân sách hợp lý hơn cho các địa phương, nhất là các địa phương khó khăn,” ông Tươi kiến nghị.

Với quá nhiều thách thức và kết quả “khiêm tốn” đạt được trong phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo cho rằng, rất khó để Đề án “cán đích” đúng hạn vào năm 2015.

“Tôi nghĩ Bộ nên xem xét lại kế hoạch, gia hạn đến năm 2020 cho những tỉnh khó khăn. Chúng tôi không muốn chạy theo thành tích mà mong muốn khi đạt chuẩn thì đó là chuẩn thực sự và đảm bảo chất lượng,” Phó Giáo đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thị Tuyết Hà nói./.
 

Theo Vietnam+

.