Tiến sỹ Trịnh Đào Chiến - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai cho biết, năm học 2017-2018, trường dôi dư khoảng 20-30 giảng viên không có tiết dạy vì không có sinh viên.

Số giảng viên này được nhà trường bố trí kiêm nhiệm việc ở các phòng ban để tính đủ giờ dạy nhưng đến năm học 2018-2019, số lượng dôi dư là hơn 60 giảng viên nên nhà trường không thể bố trí việc làm được nữa. Trường đã báo cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo để có hướng giải quyết.

leftcenterrightdel
 Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai. Ảnh: baogialai.com.vn

Trên thực tế, nhiều năm trở lại đây Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không tuyển sinh được, nhất là các ngành đặc thù như âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất. Các ngành lịch sử, địa lý, kỹ thuật và toàn bộ ngành khối THCS, lượng sinh viên đăng ký không đủ để mở lớp.

Cùng với đó, năm học 2018-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra điểm sàn cho ngành sư phạm khiến lượng sinh viên nộp hồ sơ vào ngành sư phạm Gia Lai càng ít đi bởi với điểm sàn sư phạm của Đại học là 17, Cao đẳng là 15, Trung cấp là 13, các em có thể theo học ở một số trường đại học khác tại các thành phố lớn.  

Cùng với đó, sinh viên ngành Cao đẳng Sư phạm ra trường khó tìm được việc làm. Trong khi đó, tại các trường học vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vẫn diễn ra tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng hàng năm.

Riêng tỉnh Gia Lai năm học 2018-2019 thiếu gần 2.000 giáo viên, đặc biệt là cấp Tiểu học và Mầm non. Không có sinh viên thì không thể mở lớp, điều này nằm ngoài mong muốn của giảng viên và cũng là vấn đề nan giải của các cấp quản lý.

Thầy Đặng Thông Huề - Phó trưởng Khoa Tự nhiên, Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai cho biết: Những năm trước, số sinh viên theo học đông, tạo động lực cho thầy cô thêm nhiệt huyết giảng dạy. Vài năm nay, không có sinh viên, Khoa hầu như không hoạt động, giảng viên chỉ lên họp giao ban đầu tuần rồi về nhà.

Khoa Tự nhiên là một trong những khoa có số lượng sinh viên đông nhất của trường. Trước đây, Khoa Tự nhiên có gần 40 giảng viên nhưng năm nay chỉ còn 14 giảng viên được tham gia giảng dạy, số còn lại không có việc làm. Chỉ tiêu của trường năm nay là 375 sinh viên nhưng hiện tại chỉ có 180 học viên đăng ký học, chủ yếu ở cấp Tiểu học và Mầm non.

Một lý do nữa khiến lượng sinh viên vào trường giảm cũng vì trước đây tỉnh có cơ chế cho sinh viên nơi khác đến học nhưng vài năm trở lại đây trường chỉ nhận sinh viên có hộ khẩu tại Gia Lai. Số giảng viên dôi dư không được bố trí kiêm nhiệm sau 3 tháng sẽ bị cắt tiền đứng lớp. Như vậy, hơn 60 giảng viên của trường chỉ còn lương từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Các giảng viên Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai hầu hết thuộc đối tượng thu hút việc làm của tỉnh vì đa số họ đều có bằng tốt nghiệp loại giỏi ở những trường đại học lớn, trong quá trình giảng dạy đã nâng cấp lên trình độ thạc sỹ hoặc tiến sỹ. Hiện trường đang có 100 giảng viên, trong đó có 4 tiến sỹ, 80 thạc sỹ, 10 giảng viên đang hoàn thành trình độ thạc sỹ.

Tình trạng không có tiết dạy, không bố trí được việc làm tại Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai vừa lãng phí nguồn nhân lực của tỉnh vừa lãng phí nguồn kinh phí Nhà nước. Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Văn Căn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho biết: Sở đã đề nghị trường làm báo cáo về thực trạng dôi dư giảng viên và tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai về việc thông qua Đề án “Thành lập trường Phổ thông thực hành chất lượng cao, tự chủ thuộc Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai”.

Việc thành lập Trường Phổ thông thực hành chất lượng cao góp phần vào việc rèn luyện nghề thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình đào tạo của giảng viên. Đồng thời là cơ sở để tiếp nhận và triển khai nền giáo dục tiên tiến, hội nhập quốc tế, tạo cơ hội lựa chọn tốt nhất cho học sinh và đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa giáo dục của tỉnh Gia Lai.

Song đây vẫn là Đề án, Sở đã trình lên UBND tỉnh và chờ chỉ đạo phê duyệt. Trong khi đợi quyết định của tỉnh, số giảng viên dôi dư vẫn chưa có hướng giải quyết vì họ không nằm trong diện tinh giản biên chế.

Ngành giáo dục tỉnh Gia Lai thiếu giáo viên ở bậc Tiểu học và Mầm non, nếu điều động hoặc biệt phái số giảng viên cao đẳng đi dạy các cấp học này thì rất lãng phí nhân lực có trình độ cao. Đây cũng đang là vấn đề bức thiết của ngành giáo dục tỉnh Gia Lai và trên thực tế chưa có hướng giải quyết phù hợp.

Hồng Điệp/ TTXVN