(BVPL) - Nhìn bầu trời xám xịt, sợ mưa đường trơn không vượt được những con dốc trên đường lên Tia Ma Mủ, chúng tôi đã định xuống núi. Thế nhưng, khi nhớ đến lời hứa cách đây gần 4 tháng với cô bé Sùng Thị Dín, học sinh lớp 4 ở điểm trường Tia Ma Mủ rằng sẽ giúp em làm bài văn “tả cảnh Tia Ma Mủ quê em”, chúng tôi lại hăm hở lên đường, mặc cho những đám mây xếp đống sừng sững trên đỉnh núi…

 


Để “cái chữ” chảy ngược

Tâm sự với chúng tôi, thầy Ngô Đức Việt bảo, đồng bào ở đây còn nghèo lắm! Đến ngày 20-11, ở dưới xuôi các thầy cô được phụ huynh học sinh tặng quà, hoa, còn giáo viên ở Tia Ma Mủ lại góp tiền mua sách vở, giấy bút tặng lại các em học sinh. Tấm lòng của phụ huynh, học sinh chỉ cây nhà lá vườn như chuối, mía, ngô… Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi, các thầy cô giáo ở đây đã cảm thấy mát lòng, mát dạ vì họ đã biết quý trọng những con chữ mà thầy cô phải mất khá nhiều công sức mới bắt nó phải “chảy ngược” lên xứ sở “chín tầng mây” này.

Thầy Việt vẫn còn nhớ ngày mới lên Tia Ma Mủ nhận nhiệm vụ, ba lô trĩu trên vai, từ trung tâm xã Tà Tổng ngược suối Nậm Ngà, leo không biết bao nhiêu con dốc, vượt qua những rừng tre, nứa, nơi trú ngụ của hàng trăm ngàn con vắt bật lên tanh tách mỗi khi ngửi thấy hơi người, đến khi mệt đứt hơi mới đến nơi. Ngay những ngày sau đó, thầy phải tập làm quen với cuộc sống thiếu thốn trăm bề ở điểm trường nằm chênh vênh trên sườn núi. Nước sinh hoạt cho giáo viên cùng các em học sinh khan hiếm, thầy Việt cùng các đồng nghiệp phải thiết kế những đường dẫn nước dài đến hàng trăm mét bằng những thân luồng bổ dọc, để rồi chắt chiu dành cho sinh hoạt hàng ngày. Muốn gọi điện về với gia đình, phải đi bộ hơn 10km mới có thể “bắt” được sóng điện thoại. “Xa xôi cách trở là thế nên mỗi lần về Tết, nghỉ hè về xuôi, nghĩ đến cảnh vượt rừng, dốc, núi cheo leo mà ớn. Khi đã ở trên cao xanh này rồi lại không muốn tụt xuống nữa…” - Thầy Việt đùa vui nói với chúng tôi…

Vĩ thanh

Tôi không muốn nhắc lại lời của nữ nhà văn trẻ nọ gọi những giáo viên cắm bản ở điểm trường Tia Ma Mủ là “những người chịu khổ”, để tuổi xuân của mình lặng lẽ trôi qua nơi miền biên ải xa xôi, vì sợ gợi thêm nỗi buồn cho họ. Nhưng trong tâm khảm của tôi như đã tạc câu nói của cô bé Sùng Thị Dín trước khi cùng thầy cô chia tay “nhà báo miền xuôi”: “Lấy được cái chữ vất vả lắm nhưng em sẽ cố gắng để sau này được làm giáo viên như thầy Sáo, thầy Phệ, cô Thuận”. Lời tâm sự mộc mạc của cô bé Dín cùng những dòng chữ nghiêng nghiêng trong bài văn “tả cảnh Tia Ma Mủ quê em” của cô bé khiến chúng tôi rưng rưng.

Tia Ma Mủ, nơi “với tay chạm trời”, người giáo viên lên dạy chữ đã cực, con em đồng bào đi học chữ cũng khổ không kém. Để  “chuyển giao” được cái chữ sang thế hệ tương lai, người giáo viên còn phải là một cán bộ dân vận tốt, hiểu được phong tục tập quán, và biết sẻ chia khó khổ cùng đồng bào, cái chữ mới ở lại thành mầm xanh, trổ hoa tươi, kết thành trái chín hiến dâng cho cuộc đời…
 

Ghi chép của Vân Bình