Sức ép vào trường THPT công lập đối với học sinh Hà Nội dự thi tuyển sinh lớp 10 năm 2015 sẽ ở mức cao sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố duy trì sĩ số chuẩn 40 học sinh/lớp tại các trường công lập nhằm đảm bảo yêu cầu chất lượng dạy và học.
 

1
Thí sinh vào lớp 10 có thể lựa chọn 4 loại hình đào tạo


Khống chế sĩ số

Với số lượng học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2014-2015 gần 80.000 em, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay không kém áp lực so với năm trước khi Sở GD-ĐT Hà Nội tuyên bố sẽ nâng cao chất lượng đầu vào. Trong khi nhu cầu vào trường công khá cao thì chỉ tiêu vào các trường này năm 2015 lại đứng yên bởi ràng buộc về sĩ số lớp học. Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Hà Nội đang áp dụng sĩ số chuẩn tại các trường THPT là không quá 40 học sinh/lớp. Đây được coi là điều kiện để các trường công lập nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời giúp giải quyết việc cân bằng nguồn tuyển cho các loại hình trường khác.

Được biết, đây là năm học thứ hai Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục tăng cường các biện pháp mạnh trong việc tuyển chọn đầu vào các trường THPT. Trước khi giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT, Sở GD-ĐT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra điều kiện tuyển sinh ở các trường và chỉ duyệt chỉ tiêu với những trường bảo đảm chất lượng dạy học gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…

Năm nay, Hà Nội vẫn tổ chức một kỳ thi chung cho tất cả học sinh tham dự vào lớp 10 THPT năm học 2015-2016. Mỗi học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 đều phải dự thi đủ hai môn Ngữ văn và Toán dù có nguyện vọng vào công lập hay ngoài công lập. Tại buổi làm việc mới đây với các trường THPT ngoài công lập, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sẽ thông báo thông tin chi tiết về nội dung đề thi, điều kiện dự tuyển… để các trường có căn cứ dạy học và định hướng sớm cho học sinh trong đầu học kỳ II năm học này.

Không cho “nợ” tiêu chuẩn xét chỉ tiêu

Trước áp lực căng thẳng trong cuộc “chạy đua” vào lớp 10 công lập, thí sinh cần chuẩn bị thêm những lựa chọn mới cho hướng học tập của mình. Theo đó, ngoài cơ hội vào trường công lập, học sinh tốt nghiệp THCS có thể đăng ký dự tuyển vào 3 loại hình đào tạo khác là THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, cần lưu ý, việc lựa chọn các trường ngoài công lập cũng không dễ dàng. Với những trường chất lượng đào tạo tốt, sức cạnh tranh cũng không kém các trường ngoài công lập. Năm nay, việc siết chặt đầu vào còn được áp dụng với khối ngoài công lập. Tháng 8-2014, Sở GD-ĐT Hà Nội đã cảnh cáo 15 trường ngoài công lập tuyển sinh vượt chỉ tiêu và yêu cầu chuyển những thí sinh tuyển “ngoài luồng” về những trường còn chỉ tiêu. Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh, số lượng chỉ tiêu giao cho từng trường THPT ngoài công lập được tính toán dựa trên các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục thực tế. Do đó, các trường có chỉ tiêu trên 200 học sinh không được tuyển quá 10%. Cùng với đó, các yêu cầu về tiêu chuẩn tuyển sinh cũng sẽ được kiểm tra chặt chẽ trong mùa thi 2015.

Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã cắt giảm chỉ tiêu đối với các trường ngoài công lập có từ 2 điểm trường trở lên. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh, năm nay, sẽ chấm dứt tình trạng sát đến thời điểm tuyển sinh mà các trường vẫn nợ tiêu chuẩn. Cụ thể, các trường sẽ phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn: Tổ chức bộ máy và đội ngũ; cơ sở vật chất; tài chính; chuyên môn; tuyển sinh. Trong đó, 3 tiêu chuẩn đầu là bắt buộc, nếu không bảo đảm 1 trong 3 tiêu chuẩn này thì coi như không đạt yêu cầu và dứt khoát không được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.

Năm 2014, Sở GD-ĐT đã không giao chỉ tiêu với 7 trường THPT ngoài công lập vì không đáp ứng các tiêu chuẩn nói trên. Để được tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay, các trường ngoài công lập còn bắt buộc phải có cam kết thuê, mượn địa điểm ít nhất trong 3 năm học để bảo đảm cho học sinh học hết chương trình THPT mà không xảy ra bất cứ tình huống nào làm gián đoạn quá trình học tập của các em. Hiện nay, Hà Nội còn tới 46% số trường THPT ngoài công lập đang phải thuê, mượn địa điểm để dạy học.  
 

Theo ANTĐ

.