Bộ GD&ĐT vừa đưa ra dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH 2017 với một số điều chỉnh. Theo lãnh đạo một số trường và sở GD&ĐT, những điều chỉnh này vừa có lợi vừa bất lợi cho thí sinh.
Điểm mới nhất của dự thảo Quy chế tuyển sinh 2017 là giảm tỷ trọng xét tuyển các khối thi truyền thống. Theo đó, Bộ GD&ĐT quy định những trường sử dụng tổ hợp các môn thi/bài thi mới ngoài các khối thi truyền thống (khối thi mà trường đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước) để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống. Quy định này chỉ thực hiện trong năm 2017. Trong khi đó, theo quy chế tuyển sinh 2016, tỷ trọng này là 50/50.
|
Thí sinh trao đổi về bài thi môn Ngữ văn tại Hội đồng thi ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2016. Ảnh: Ngọc Châu |
Xét tuyển chung: hạn chế quyền tự chủ?
Tuy chưa đưa vào dự thảo Quy chế tuyển sinh nhưng Bộ GD&ĐT cũng đưa ra ý tưởng các trường lấy kết quả thi THPT quốc gia sẽ tham gia chung một phần mềm xét tuyển.
Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho rằng Bộ đã đổi mới thì phải hơn cái cũ, đừng tụt lùi. Những năm trước Bộ đưa ra nhiều quy định làm phức tạp hóa vấn đề. “Bộ GD&ĐT không biết có quản lý được không khi chung một phần mềm xét tuyển? Dữ liệu của hàng triệu thí sinh. Bộ không nên ôm đồm những thứ quá sức mình.
Bộ đang khuyến khích các trường tự chủ, trong đó có cả tự chủ tuyển sinh, vì vậy Bộ phải làm thế nào để đơn giản hóa các quy định” - ông Hóa nói. Cũng theo ông Hóa, khâu thi Bộ đã giao cho các sở GD&ĐT làm thì khâu xét tuyển cũng để các trường tự làm.
“Tôi nghĩ, Bộ không đủ người để làm những việc này. Hiện nay, cả nước có 400 trường ĐH, chưa kể các trường của hệ thống quốc phòng, an ninh. Bộ chỉ là cơ quan nghiên cứu chỉ đạo trong việc tuyển sinh hàng năm. Đừng để việc tuyển sinh này trở thành gánh nặng cho các trường và Bộ” - ông Hóa đề xuất.
Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ cho rằng việc xét tuyển chung một phần mềm không giới hạn quyền tự chủ của trường nào. Đây chỉ là giải pháp đưa dữ liệu của thí sinh vào để loại thí sinh ảo. Bộ cũng cho phép các trường tham gia hay không tham gia phần mềm này, không bắt buộc. Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng bộ chỉ nên khuyến cáo các trường có phần mềm đó, còn tham gia hay không là quyền của mỗi trường.
Đăng ký không hạn chế nguyện vọng
Dự thảo cũng nêu rõ, đợt 1 thí sinh ĐKXT một lần, không quá 4 nguyện vọng (vào tối đa 4 trường) trên một phiếu ĐKXT duy nhất và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Đối với các nhóm trường, trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Đối với mỗi thí sinh, xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Mặt khác, tại dự thảo, Bộ GD&ĐT cũng quy định điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung vào ngành/nhóm ngành không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, số nguyện vọng ĐKXT của thí sinh không bị giới hạn. Về điểm mới này, PGS. Đỗ Văn Xê cho rằng các trường khi tham gia chung một hệ thống xét tuyển toàn quốc thì máy tính tự động loại ra nguyện vọng ảo, do đó, cho thí sinh 100 nguyện vọng cũng không sao. Nên không cần thiết phải quy định bao nhiêu nguyện vọng. Cũng vì máy tính tự loại bỏ nguyện vọng ảo nên các trường cũng không có nhu cầu xét tuyển bổ sung.
Tuy nhiên, PGS. Xê cho rằng Bộ GD&ĐT quy định điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung không thấp hơn điểm trúng tuyển NV1 trước là hợp lý. “Năm 2016, Bộ GD&ĐT đã đưa ra quy định tạo nên một kết quả rất kỳ cục. Ví dụ như ĐH Cần Thơ, lúc đầu điểm chuẩn là 17 điểm, thí sinh nào 16,5 điểm là rớt, nhưng đợt sau thí sinh nào 15 điểm thì đậu. Chính vì vậy, tôi cho rằng, năm 2016, quy chế của Bộ rất bất hợp lý. Năm 2017, quy định lại như vậy là rất tốt. Nhưng điều tôi lo lắng là hệ thống của Bộ xử lý không nổi, sợ bị sập như năm 2015” – PGS. Đỗ Văn Xê nói.
Thi THPT: Địa phương lo lắng
Ông Lưu Hải Tiền, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh băn khoăn về việc năm nay giao cho địa phương in sao đề thi. Theo ông Tiền, điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay là thi trắc nghiệm ở hầu hết các môn, trong đó có buổi thi thí sinh sẽ cùng lúc thi 3 môn trong tổ hợp KHTN và KHXH. Chưa kể, trong một phòng thi, mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng. Cũng theo ông Tiền, quy chế năm nay cho thí sinh lựa chọn môn thi.
Ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, thí sinh sẽ chỉ phải thi một môn tự chọn có thể là tổ hợp KHTN hoặc tổ hợp KHXH. Tuy nhiên, quy chế cũng “nới” điều kiện để thí sinh có thể dự thi 5 bài thi và điểm bài thi nào cao sẽ được chọn dùng để xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển ĐH. Ông Tiền cũng cho rằng, đến thời điểm này, việc thí sinh ôm đồm lựa chọn cả 5 bài thi đồng nghĩa với việc các em sẽ phải thi kiến thức của 9 môn thi. Nếu không có phông kiến thức căn bản cứng, thí sinh dễ bị mất điểm thay vì tập trung ôn tập cho 6 môn thi để đạt điểm cao.
Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng một địa phương khác cũng trăn trở về việc tổ chức 3 môn thi trong tổ hợp sẽ gây nhiều bất lợi cho thí sinh lẫn công tác tổ chức thi. Theo cán bộ này, học sinh khó có thể tư duy cùng lúc 3 môn thi trong thời gian 150 phút. Chưa kể, nếu một môn làm không tốt thí sinh sẽ không có tâm lý vững để làm bài các môn thi tiếp theo. Thêm nữa, việc in sao đề thi được tiến hành như năm nay sẽ khó thể tránh khỏi việc xảy ra sai sót, tốn kém.
Ông cho rằng, địa phương có khoảng 6.000-7.000 thí sinh, sẽ chia thành 5-6 hội đồng thi. Mỗi hội đồng thi có nhiều phòng thi, mỗi phòng thi có ít nhất 24 mã đề thi khiến ông lo lắng đến việc nhầm lẫn. Theo vị này, Bộ nên thành lập các trung tâm in sao đề đặt rải rác tại các địa phương, những địa phương khác sẽ phối hợp lực lượng an ninh trực tiếp đến lấy đề. Như vậy, địa phương chỉ lo khâu vận chuyển và đảm bảo an toàn cho đề thi từ ngày nhận đề đến kết thúc kỳ thi. “Ở các thành phố lớn, máy móc, con người chuyên nghiệp hơn trong khi đó các địa phương khác máy móc lâu không vận hành, con người cũng không chuyên nghiệp vì thế khó tránh khỏi trục trặc”, vị này nói.
Nói về dự thảo thi năm nay, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú, TPHCM cho rằng, quy chế thi khá rõ ràng, cụ thể và nêu đầy đủ vai trò, trách nhiệm của những người liên quan.
Theo ông Hiếu, việc mỗi thí sinh được làm 2 bài thi tự chọn là KHTN và KHXH, bài thi nào điểm cao sẽ được chọn để tính xét công nhận tốt nghiệp THPT là hợp lý, đảm bảo quyền lợi, thêm cơ hội cũng như tạo điều kiện để thí sinh có thể thử sức mình ở nhiều bài thi. “Tuy nhiên, không nên vì thế mà học dàn trải, dẫn đến môn nào cũng sàn sàn nhau. Thí sinh chỉ nên tập trung những môn lợi thế của mình để có cơ hội được cao nhất”, ông Hiếu khuyến cáo.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Nghĩa, hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm, quận 2 cho rằng, việc được chọn bài thi cao điểm làm xét tốt nghiệp là có lợi cho học sinh nhưng đòi hỏi các em phải có chiến lược học tập tốt. “Bên cạnh đó, việc mỗi thí sinh một mã đề đòi hỏi phải có ngân hàng đề lớn và phải làm sao để đảm bảo được tính công bằng giữa các thí sinh, đây là vấn đề cần được chú trọng”, ông Nghĩa nói.
Nguyễn Dũng
|
Theo Nghiêm Huê-Nguyễn Hà
Tiền phong